Huyền tích hòn Củ Tron (quần đảo Nam Du)


Hòn Củ Tron là hòn đảo lớn nhất trong quần đảo Nam Du (huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang) còn có tên gọi khác là hòn Lớn Nam Du. Từ một đảo hoang sơ, ít người sinh sống, nay hòn Củ Tron đã phát triển sầm uất, nhộn nhịp ghe thuyền và cư dân sinh sống. Đến Củ Tron, được nghe những huyền tích xưa về hòn đảo này, càng cảm nhận rõ những nét đẹp của biển rộng, núi cao nơi vùng biển đảo Tây Nam của Tổ quốc.


Từ câu chuyện của nhà văn Sơn Nam
Bên cạnh nhiều tác phẩm để đời trong sự nghiệp sáng tác và biên khảo, cố nhà văn Sơn Nam ghi nhiều dấu ấn với tập truyện ngắn “Hương rừng Cà Mau”. Tập truyện gồm 18 truyện ký, viết về đời sống của đất và người vùng đất cuối trời Tổ quốc, được nhà văn Sơn Nam viết trong bối cảnh những năm 1939-1940. Trong số đó, tác phẩm mà chúng tôi muốn nói đến là truyện “Hòn Cổ Tron”, mở đầu cho tập truyện.
Đó là câu chuyện về ông Từ Thông, sống một mình ở hòn Cổ Tron (theo cách gọi của nhà văn Sơn Nam, còn lại hầu hết đều gọi là Củ Tron), trong một dịp tình cờ giúp quan Tây tìm trái cây ở Cổ Tron đã được quan cấp giấy thông hành vào đất liền thăm người thân. Nhưng vào đất liền, phần do không có “miếng giấy lộn lưng” nên bị giam lỏng, phần nhớ Cổ Tron nên sau nhiều phen lận đận, ông đã tìm về Cổ Tron.
Truyện chỉ có vậy song nhà văn Sơn Nam đã phác họa nên một hòn Cổ Tron hoang sơ, kỳ bí. Ví như: “Hoàng hôn tràn tới chính là lúc cảnh vật dưới biển ngời lên, bóng mây phản chiếu lấp lánh như gấm. Đêm về, trăng mọc. Nơi thủy cung rộn rịp nào kém chốn trần gian! Từng đợt rong chìm lững lờ mơn trớn, khoác thêm lớp xiêm lụa mỏng cho bầy cá hường”.

Một góc hòn Củ Tron nhìn từ trên cao. Ảnh: DK


Tập hợp những thông tin từ truyện, biết thêm rằng, hòn Cổ Tron ở vịnh Xiêm La, có tên tiếng Pháp là Bu-lô Đa-ma, tên theo sách chữ Nho là Nam Du. Hòn Cổ Tron cách công sở Lại Sơn, ở hòn Sơn Rái chừng 40 cây số, thuộc quận Châu Thành nhưng nằm gần phía làng Đông Hưng, quận An Biên, tỉnh Rạch Giá.
Rồi từ Sơn Rái vào đến quận Châu Thành ước chừng 50 cây số nữa. Đó là tính theo đường chim bay, ghe chạy phải đi đường gãy. “Ngoài biển khơi, đường gãy là đường gần nhất giữa hai điểm cách nhau; cái khoảng gần trăm cây số trên kia dài gấp ba, gấp bốn”- cụ Sơn Nam lý giải. Qua đối chiếu với một số sử liệu, những thông tin này hoàn toàn chính xác, đến hôm nay.
Dấu xưa, tích cũ
Về tên gọi hòn Củ Tron, qua lời kể của cư dân địa phương cũng như nhiều sử liệu cũ, hầu hết đều xoay quanh cuộc tháo chạy của chúa Nguyễn Ánh- sau là vua Gia Long. Đó là những năm cuối thế kỷ XVII, khi bị quân Tây Sơn bất ngờ tấn công thành Gia Định, chúa Nguyễn Ánh chạy, không kịp mang theo lương thực nên khi đến một hòn đảo, binh lính nhanh chóng lâm cảnh đói khát.
Ông ra lệnh cho quân sĩ lên núi tìm cây trái có thể ăn được để cứu đói, chờ tiếp tế từ đất liền. Quân lính tìm được loại dây leo có củ nằm sát đất, củ nhỏ nhất cũng bằng nắm tay, củ to bằng cái dĩa lớn. Họ đem nướng hay luộc thử thì ăn thấy ngon, không độc tố. Vậy là loài củ rừng núi ấy đã cứu chúa Nguyễn và tùy tùng. Họ kháo nhau đi tìm mà chẳng biết tên gọi, chỉ biết chỉ dẫn là “củ tròn tròn”, sau gọi là củ tròn. Sau khi lên ngôi, biết ơn loài cây đã nuôi sống mình thuở đói khổ, Nguyễn Ánh ra chiếu dụ đặt tên cho đảo là “Củ Tròn”, lâu ngày gọi trại thành Củ Tron.

Ngày yên bình của ngư dân trên hòn Củ Tron. Ảnh: DK
 

 Ở hòn Củ Tron, khách đến thăm sẽ ấn tượng với những bãi Ngự, bãi Chệt, bãi Cây Mến, bãi Giếng… với cảnh vật đẹp đến nao lòng. Nhưng ít ai biết rằng, mỗi cái tên trên hòn đảo xinh đẹp này đều được gắn với những truyền thuyết nhuốm màu huyền thoại, làm nên bề dày lịch sử cho nơi đây. Đầu tiên là bãi Chệt, nơi có bến tàu đón du khách đến thăm đảo.

Truyện kể rằng, xưa kia người Hoa làm nghề thương thuyền thường đi lại vùng biển này để kinh doanh, mua bán. Dân ta thường gọi là người Chệt, Khách Trú hay Ba Tàu… Thuở xưa nạn cướp biển hoành hành, một hôm chúng giết sạch một nhóm thương buôn người Hoa để cướp tài sản. Xác người trôi vào bãi ở hòn Củ Tron. Người trong làng gọi bãi này là bãi Chệt.
Nằm ở phía Đông Bắc của hòn Củ Tron là bãi Cù Dậy, còn gọi là Mũi Đá Lở. Thuở xưa nơi đây từng xảy ra một trận mưa giông đến 3 ngày 3 đêm chưa dứt. Đêm cuối cùng, trời đất cuồng phong, sấm rền đất dậy như nổ tung. Rồi từ một mũi đất, một cột khói từ lòng đất bay thẳng lên không trung, mình uốn lượn như rồng bay. Sau đó, liền trời quang mây tạnh. Sáng hôm sau, nơi đây có mảng đá lở lớn nên bà con gọi là Mũi Đá Lở. Nhưng cũng có người lý giải cột khói đen ấy chính là con Cù đắc đạo, hóa rồng bay về thiên nhan, bà con tin rằng sẽ được nhiều may mắn nên gọi đó là bãi Cù Dậy.
Còn có nhóm truyện kể ghi dấu những ngày chúa Nguyễn Ánh lánh nạn ở hòn Củ Tron này, đó là các địa danh: Bãi Ngự, Bãi Giếng, giếng Tiên... Bãi Ngự được lý giải là nơi chúa Nguyễn mỗi chiều thường ra ngồi ngắm cảnh hoàng hôn trên biển trong lúc lánh nạn nơi đây. Còn với giếng Tiên hay giếng Gia Long, đó là giếng nước nằm sát bãi biển nhưng cho nước ngọt quanh năm.
Chuyện kể rằng trong lúc chúa Nguyễn Ánh rối trí vì không có nước ngọt cho quân sĩ sinh hoạt, ông đã dậm chân kêu trời trách đất. Lạ thay, nơi ông vừa dậm chân bỗng dâng trào một vòi nước từ lòng đất, lấy tay bụm một ngụm uống thử thì thấy ngọt lành, lòng khoan khoái, ông liền cho quân lính đào thành giếng để lấy nước dùng. Giếng này được dân địa phương truyền tụng, gọi là giếng Tiên hay giếng Gia Long.
Còn có những địa danh giải thích thật đơn giản, như ở Bãi Cây Mến, còn được gọi là Bãi Ông Già. Chúng tôi đã tiếp xúc với chị Nguyễn Thị Cẩm Hưởng, chủ bãi tắm, được chị cho biết “Ông Già” chính là cha của chị. Do ông là người khai hoang nơi đây, mọi người thấy một ông già cần mẫn khai phá, trồng dừa… nên gọi vậy.

* * *

Một lần thăm thú hòn Củ Tron, ngắm đồi núi cao vút, cây xanh mơn mởn, chim rừng ríu rít… cứ ngỡ đang lạc vào thế giới cổ tích. Hòn Củ Tron tràn ngập sắc màu: màu xanh biển, của trời hòa quyện; màu tím của những đồi hoa mua biêng biếc; màu trắng của những bông lau lướt phướt lối đi... Bây giờ, ngày nào cũng có tàu cao tốc ra từ bến Rạch Giá ra hòn Lớn Nam Du, khách vào ra tấp nấp. Du khách tìm về Củ Tron để nằm nghe biển hát, cảm nhận cái se lạnh của gió biển, thêm yêu vị mặn mòi của biển và để được một lần nghe kể về những huyền tích Củ Tron. 
Theo DUY KHÔI

 

Theme images by kevinruss. Powered by Blogger.