Bí mật quần đảo Hải Tặc và huyền thoại đảng cướp cánh buồm đen


Đó là một cụm gồm nhiều đảo nhỏ nằm rải rác trong một vịnh biển tiếp giáp với Campuchia (thuộc xã Tiên Hải - Hà Tiên). Từ thị trấn sầm uất vùng biên ải này, sau 2 giờ đáp thuyền con sẽ ra đến đảo. Có thể nói rằng những huyền thoại về quần đảo nhỏ bé nhưng có cái tên vô cùng dữ dằn ấy cho mãi đến hôm nay vẫn luôn là một ẩn số. Những câu chuyện thực thực, hư hư được người đời truyền tụng đã làm cho sự ly kỳ bao trùm lên những hòn đảo nằm rải rác trên vịnh này ngày càng thêm bí hiểm.


Đó là một cụm gồm nhiều đảo nhỏ nằm rải rác trong một vịnh biển tiếp giáp với Campuchia (thuộc xã Tiên Hải - Hà Tiên). Từ thị trấn sầm uất vùng biên ải này, sau 2 giờ đáp thuyền con sẽ ra đến đảo. Có thể nói rằng những huyền thoại về quần đảo nhỏ bé nhưng có cái tên vô cùng dữ dằn ấy cho mãi đến hôm nay vẫn luôn là một ẩn số. Những câu chuyện thực thực, hư hư được người đời truyền tụng đã làm cho sự ly kỳ bao trùm lên những hòn đảo nằm rải rác trên vịnh này ngày càng thêm bí hiểm.

Di tích bia chủ quyền quần đảo Hải Tặc


 Theo tài liệu của nhà Sử học Trương Minh Đạt (Hà Tiên), cái tên “quần đảo Hải Tặc” có từ rất lâu rồi. Từ khi Hà Tiên còn là thủ phủ của cả vùng Tây Nam đất nước, với thương cảng sầm uất, phố sá mua bán tấp nập trên bến dưới thuyền - một thời kỳ hưng thịnh của chính quyền “Đàng Trong”. Và khi chính quyền của Mạc Thiên Tích bị quân Xiêm đánh bại trong một trận giao tranh ác liệt trên biển thì suốt thời gian dài vùng Hà Tiên không có bộ máy chính quyền cai trị.

Thương cảng Hà Tiên vẫn tấp nập tàu bè nước ngoài ra vào và trong đó có cả tàu của cướp biển. Đến khi người người Pháp đặt chính quyền cai trị ở đây thì vùng biển này vẫn còn cướp biển hoành hành. Đây chính là lúc mà người ta nói nhiều đến “quần đảo Hải Tặc”.

Lý giải cho vấn đề này, các cụ già cao niên còn sống ở Hà Tiên, Rạch Giá đều cho rằng: Có lẽ vào thời điểm ấy, tên gọi quần đảo Hải Tặc được nhiều người nhắc đến bởi nó gắn liền với sự xuất hiện của một đảng cướp hoạt động trên vùng biển này và lấy những hòn đảo hoang trong vùng vịnh Xiêm La làm căn cứ. Từ đây, toán cướp xuất hiện bất ngờ như từ dưới biển chui lên và tấn công chớp nhoáng các tàu buôn đi lại trong vùng.

Tương truyền rằng cầm đầu đảng cướp là một hảo hớn miền Thất Sơn, bị chính quyền Tây truy nã ráo riết vì tội dám giết chết một cò Tây trong một cuộc tỉ thí trên võ đài. Không còn chốn dung thân, vị hảo hớn kia đã lưu lạc đến vùng Hà Tiên làm cu li bốc xếp ở bến cảng. Tại đây, cũng chính người thanh niên ấy một lần nữa trở thành đối tượng truy nã của nhà cầm quyền Pháp khi anh ta cầm đầu một nhóm phu bến cảng xông vào dinh thự của tên Chánh chủ tỉnh giết lính mã tà, cướp súng…

Bị chính quyền lúc bây giờ quy cho tội làm quốc sự, gã hảo hớn kia cùng với đám huynh đệ kết nghĩa nửa đêm kết bè vượt biển ra đảo khơi lập căn cứ, tính chuyện lâu dài.

Với vị trí hiểm trở lại nằm án ngữ tại một khu vực có nhiều tàu bè qua lại nên việc “làm ăn” của toán cướp này khá thuận lợi. Những trận đánh cướp chớp nhoáng diễn ra trên biển ngày càng nhiều và phần thắng bao giờ cũng nghiêng về những tên cướp biển.
 Di tích bia chủ quyền quần đảo Hải Tặc

Có hai dòng truyền thuyết, dòng thứ nhất lưu truyền rằng những tay hảo hớn dọc ngang trên vùng biển Tây Nam này chỉ cướp của tàu buôn nước ngoài và tuyệt nhiên không giết người vô tội, số của cải cướp được họ dùng để chia cho dân nghèo, làm việc nghĩa… Dòng thứ hai thì lại nói đây là một đảng cướp khét tiếng man rợ, giết người không gớm tay… Chưa có tài liệu nào kiểm chứng để khẳng định, song có điều chắc chắn rằng trong một thời kỳ hỗn mang của lịch sử vào những năm cuối cùng thế kỷ 19 thì sự tồn tại của một đảng cướp, lấy các hòn đảo hoang vu trong Vịnh biển Tây Nam làm sào huyệt là có thật và sự thật này qua lời truyền miệng theo thời gian đã biến dạng đi ít nhiều là điều không có gì khó hiểu.

Người ta nói rằng đảng cướp vào thời hưng thịnh nhất có tới hàng trăm người và mỗi khi xuất hiện trên biển bao giờ đoàn thuyền cũng dùng vải nhuộm đen làm buồm (có lẽ đây chính là một cách làm “thương hiệu” của đảng cướp). Đặc biệt ở thuyền của đảng trưởng, trên cánh buồm còn treo thêm một cây chổi - biểu tượng quét sạch mọi thứ trên đường “làm ăn”.

Đảng cướp cánh buồm đen hoạt động tung hoành trên biển, tuy nhiên lúc cao hứng chúng vẫn kéo vào đất liền vùng trấn Hà Tiên, Rạch Giá “ăn hàng”…

“Hậu duệ” đảng cướp cánh buồm đen

Theo sự chỉ dẫn của một cán bộ ở cơ quan HĐND xã Tiên Hải, chúng tôi tìm đến nhà bà Mười Bầu - người được cho rằng là thành viên gia đình của một người vốn đã từng tham gia "đảng cướp cánh buồm đen".

Bà cụ sống đơn độc trong ngôi nhà tường rêu phong cũ kỹ, nằm cách biệt phía “mặt bất” của đảo. Chắc đã lâu lắm rồi mới có khách lạ viếng thăm nên bà rất vui vẻ tiếp chuyện chúng tôi.

Mặc dù đã ở tuổi 83, nhưng bà vẫn còn rất minh mẫn, theo lời bà thì dù có con cháu khá đông nhưng tất cả đều đi xa lập nghiệp, chỉ có vài người sống trên đảo. Gia đình bà đến đây từ những năm 50 của thế kỷ trước, khi ấy cha bà, ông Tư Vân đã “giải nghệ”.

Đảo Hải Tặc

Lời kể của một cụ bà trong một buổi chiều cô tịch trên đảo xa đã dần dần tái hiện một bức tranh nhuốm màu huyền thoại về một đảng cướp mà ở đó ông Nguyển Thanh Vân - cha bà từng là một thành viên “trong ban lãnh đạo”.

Bà nói rằng chuyện trước đó nữa thì bà không biết, nhưng đã có thời cha bà cùng chú Năm Bùn cầm đầu một số thanh niên đi “làm ăn” ở khắp nơi trong vùng biển này là có thật. Họ thường đi rất xa, có những chuyến đi dài ngày về “hướng mặt trời lặn” và mang về nhiều chiến lợi phẩm nhưng đối với dân làng họ là những người rất đỗi hiền từ, sẵn sàng cưu mang, giúp đỡ. Có lần họ còn mang về những người lạ mà nghe đâu là nạn nhân trong một vụ đắm bè hay vượt ngục gì đó.

Theo lời bà thì băng của cha bà gồm các ông Năm Bùn, Sáu Minh, Năm Lộc… Họ đều là những thanh niên trai tráng và rất giỏi võ nghệ, chuyên đánh tàu buôn ở ngoài khơi. Sau một thời tuổi trẻ ngang dọc, ông Tư gặp và yêu một cô gái người Thái Lan, cũng chính tình yêu của cô gái Thái này đã thức tỉnh ông rũ bỏ kiếp giang hồ trên biển, cùng người con gái ấy dong buồm xuôi thuyền cặp bến, cất một căn nhà nhỏ ở Bãi Bồn (Phú Quốc) xây dựng hạnh phúc gia đình và từ đó đảng cướp cánh buồm đen cũng tan rã. Về sau, ông Tư đi tu và cuối đời chết thanh thản ở đảo Hòn Tre.

Quanh nhiều triền đồi trên đảo vẫn còn rải rác các nấm mồ cô quạnh mà theo người đời truyền tụng là nơi an nghỉ cuối cùng của các thành viên đảng cướp cánh buồm đen.

Có hay không một một kho báu trên quần đảo Hải Tặc?

Một buổi chiều tháng 3 năm 1983, khi hoàng hôn đang pha những sắc tím buồn trên biển thì từ ngoài khơi xuất hiện một tàu cao tốc xé nước phóng như bay trên mặt biển hướng về đảo. Trên tàu là hai thanh niên người ngoại quốc, một mang quốc tịch Anh, một mang quốc tịch Mỹ. Sự xuất hiện của “hai ông Tây” với lỉnh kỉnh đồ đạc, dụng cụ: Bản đồ Hòn tre, leng đào đất, máy quay phim, la bàn, máy dò kim loại… đã không qua được cặp mắt cảnh giác của người dân vùng đảo tiền duyên này. Lệnh báo động lập tức được phát đi và không khó khăn lắm, lực lượng tìm kiếm đã phát hiện hai ông Tây đang nằm phơi bụng trong một cánh rừng.

Ông Lương Văn Tâm - một thành viên trong nhóm vây bắt hai người nước ngoài thâm nhập đảo trái phép ngày ấy nhớ lại: “Khi đưa hai người ngoại quốc này về trụ sở chính quyền xã mới vỡ lẽ ra cả đảo không ai biết tiếng Anh nên không khai thác được gì. Hai người nước ngoài ra hiệu và vẽ lên giấy hình ba ngọn đồi trên đảo ở giữa là thung lũng. Chắp vá những thông tin rời rạc đó người dân suy luận rằng họ đang đi tìm một kho báu bí mật trên đảo”.

Hai người nước ngoài được chuyển giao cho công an tỉnh Kiên Giang và ít lâu sau đó họ được đưa trở lại đảo Hòn Tre. Lúc bấy giờ ông Tâm mới được biết, tại cơ quan An ninh, cả hai đã khai rằng tình cờ trong một lần dọn dẹp lại kho sách cũ của gia đình họ phát hiện một tấm sơ đồ rất cũ, chỉ dẫn nơi cất giấu kho báu của người ông. Theo đó thì kho báu được chôn giấu dưới lòng đất của một thung lũng, xung quanh được bao bọc bởi ba ngọn đồi trên một hòn đảo nằm trong Vịnh Xiêm La thuộc lãnh thổ Việt Nam.

Từ lời khai này, hai người ngoại quốc được đưa trở lại Hòn Tre, tại hiện trường họ chỉ dẫn cặn kẽ và dưới sự giám sát của lực lượng Công an, ông Tâm cùng một số người dân trên đảo tiến hành đào xới, nhưng khi mới đào xong ba lớp đất mặt thì có lệnh dừng lại, còn hai ông Tây thì sau đó bị phạt và trục xuất về nước vì tội đã nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.

Trong những ngày đi tìm tư liệu để thực hiện bài viết này, chúng tôi được tiếp cận với tài liệu ghi chép về biên niên sử của Công an tỉnh Kiên Giang và tài liệu này cũng ghi rõ: “...Quần chúng ở xã Tiên Hải (xã hải đảo), huyện Kiên Hải dùng tàu biển vây bắt hai tên nước ngoài xâm nhập vào đảo, một tên người Anh (Ric-hard C-harles Knight), một tên người Mỹ (Frederick Kurt Graham) đi bằng bo bo từ hướng đảo Phú Quốc vào đảo Hòn Tre nhỏ, thu hai máy bộ đàm, hai máy chụp hình, một máy quay phim, một ống nhòm, nhiều bản đồ, hải đồ cùng dụng cụ khác…”

Câu chuyện về hai ông Tây vượt trùng khơi đi tìm kho báu xảy ra cách nay đã gần 30 năm, thời gian đã làm đổi thay nhiều thứ, giữa ba ngọn đồi ngày xưa nghi có kho báu nằm trong lòng đất ấy có một con lạch chảy qua, ăn thông ra biển, tàu bè có thể vào neo đậu được giờ cũng bị bồi lắng, um tùm cây dại… tất cả tưởng đâu sẽ ngủ yên, sẽ được vùi sâu vào quên lãng. Thế nhưng thời gian gần đây một số cư dân trên đảo sống bằng nghề lặn tìm ốc, hải mã của đảo tình cờ phát hiện một số lượng khá lớn tiền đồng cổ với nhiều loại mệnh giá khác nhau thì huyền thoại về một kho báu trên đảo được đánh thức và lập tức gây nên luồng dư luận ồn ào về kho báu bí ẩn bị bỏ quên trên hòn đảo vốn dĩ bình yên này.

Giới săn lùng đồ cổ ở Tp HCM, Hà Nội liền “lượn lờ” về đây và đã có lúc nhiều người dân nơi này bỏ cả công ăn việc làm chú tâm vào việc săn lùng kho báu. Chính quyền xã đã ra lệnh cấm khai thác và cho đến khi chúng tôi thực hiện bài viết này thì những huyền thoại về một đảng cướp từng tồn tại và “làm mưa làm gió” ở vùng biển Tây Nam này vào những năm cuối cùng của thế kỷ 19 vẩn còn là điều bí ẩn. Tuy nhiên, những tư liệu rời rạc về kho báu, về đảng cướp nếu được chắp vá lại một cách hệ thống ta vẫn có thể lờ mờ nhận ra mối quan hệ của những giai thoại về vùng hải đảo tiền duyên có cái tên dữ dằn: “Đảo Hải Tặc” này./.
Huỳnh Khánh Hưng
(Tạp chí điện tử Văn Hiến Việt Nam)
http://vanhien.vn/news/Bi-mat-quan-dao-Hai-Tac-va-huyen-thoai-dang-cuop-canh-buom-den-35551
Theme images by kevinruss. Powered by Blogger.