Miệt thứ không xa xôi
Má ơi đừng gả con xa chim kêu vượn hú biết nhà má đâu, sương khuya ướt đẫm giàn bầu, em về miệt thứ bỏ sầu cho ai...
Phà Tắc Cậu nối đôi bờ sông Cái Lớn - Ảnh: Thuận Thắng |
Cẩm Ly hát bài Em về miệt thứ của nhạc sĩ Hà Phương nghe buồn đứt ruột, nhưng đó là miệt thứ của những năm tháng đã xa, khi vùng đất gắn liền với rừng U Minh này còn là một chốn hoang vu, xa xôi để cô gái theo chồng về đây chỉ biết thở than trong những canh khuya. Bây giờ bạn có thể đi du lịch miệt thứ, thăm thú một vùng đất phương Nam nhiều chuyện lạ.
Miệt thứ là tên chung chỉ vùng đất thuộc địa bàn các huyện An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận và U Minh Thượng (Kiên Giang) nằm cặp sông Cái Lớn, chạy ra vịnh Rạch Giá rồi quặt trái xuống tới huyện U Minh (Cà Mau). Toàn bộ miệt thứ trải dài trên 30km kể từ sông Cái Lớn tới trung tâm huyện An Minh, rộng chừng 15km tính từ bờ biển vào đất liền.
Từ Cần Thơ muốn về miệt thứ có hai ngả: hoặc qua Vị Thanh (Hậu Giang) theo quốc lộ 61 tới ngã ba Minh Lương rẽ trái vô quốc lộ 63 để qua phà Tắc Cậu, hoặc theo quốc lộ 91 qua Thốt Nốt đi Rạch Sỏi (Kiên Giang) tới ngã ba Minh Lương rẽ phải vô quốc lộ 63 qua phà Tắc Cậu.
Bản đồ miệt thứ |
Gọi tên bằng “thứ”
Qua bến phà nổi tiếng nhờ bài vọng cổ Hoa tím bằng lăng của tác giả Linh Châu với giọng ngọt lịm như đường phèn của nghệ sĩ Thanh Kim Huệ (Con rạch Cái Thia chảy dìa Tắc Cậu, con sáo qua sông con sáo đậu hiên nhà), tới bờ rạch Xẻo Rô coi như đặt chân vô đất miệt thứ. Sách Đại Nam nhất thống chí viết rằng “vùng này gọi là Thập Câu, tức mười con rạch. Từ con rạch thứ nhất tới rạch thứ mười xếp đặt thành hàng đều nhau, nước từ rừng tràm chảy thông ra biển, sinh ra rất nhiều cá tôm”.
Người xưa theo mốc thứ tự của các con rạch đặt tên cho địa bàn, lần lượt là Thứ Hai, Thứ Ba... tới Thứ Mười Một. Lần hồi những “thứ” ấy được ráp với “miệt” (giống như miệt đồng, miệt vườn) trở thành “miệt thứ”.
Vì sao không có rạch Thứ Một? Bởi đó chính là kênh xáng Xẻo Rô dài 35km do người Pháp đào từ đầu thế kỷ 20 nằm dọc biển, cách bờ biển chừng 6km, từ sông Cái Lớn cắt ngang mười con rạch hướng về Cà Mau để khai thác, vận chuyển tài nguyên của rừng U Minh như than đước, tràm, mật ong...
Tại mỗi ngã ba kênh rạch, dân cư đổ về tụ họp đông đúc để mua bán, trao đổi hàng hóa, riết thành chốn thị tứ, về sau là nơi đặt trụ sở cơ quan hành chính cấp huyện, xã nhưng vẫn giữ tên đã có từ xưa như: thị trấn Thứ Ba (trung tâm huyện An Biên), Thứ Bảy (trung tâm xã Đông Thái), Thứ Chín (trung tâm xã Đông Hưng), thị trấn Thứ Mười Một (trung tâm huyện An Minh).
Điều đặc biệt ngộ nghĩnh là sau này ở khoảng giữa đất Thứ Chín và Thứ Mười người dân đào thêm một con kênh nhỏ thông ra biển để tiện mua bán tôm cá, neo đậu ghe tàu và cũng theo thứ tự, vùng này có tên là Thứ... Chín Rưỡi (khu vực ấp Thạnh An, xã Đông Thạnh, huyện An Minh ngày nay).
Theo ông Lâm Phước Hải - trưởng ban tuyên giáo Huyện ủy An Minh: “Miệt thứ là vùng đất rộng, trước chủ yếu là rừng, sau được khai thác trồng lúa, hoa màu và nuôi tôm. Rừng U Minh Thượng cách đây chừng 10km từng là căn cứ của Tỉnh ủy Rạch Giá, Khu ủy và Quân khu 9. Nơi đây người dân từng chở che, đùm bọc các vị lãnh đạo như Võ Văn Kiệt, Lê Đức Anh, Trần Quang Quít, La Lâm Gia, Nguyễn Ngọc Sến...”.
Miệt thứ còn gắn liền với rừng U Minh, nơi được nhà văn Sơn Nam mô tả trong Lịch sử khẩn hoang miền Nam: “U Minh là tên khu vực từ xa xưa đã được hiểu là vùng đen tối, mù mịt. U Minh là mờ, u ám, thí dụ như cõi u minh chốn địa ngục...”.
Hồi xưa nói đến “miệt thứ”, người ta hình dung ngay một nơi xa xôi, hoang vu, bất trắc như lời cô gái đi lấy chồng xa trong bài hát Em về miệt thứ buồn hiu hắt.
Cuộc sống êm đềm bên rạch Thứ Ba - Ảnh: T.T. |
Hào hùng đất rừng phương Nam
Chúng tôi theo quốc lộ 63 đến Thứ Chín Rưỡi, đi xuồng qua kênh Xẻo Rô ghé thăm nhà ông Phạm Minh Hòa (Năm Hòa), 69 tuổi, ở ấp Mười Quỳnh, xã Đông Hưng. Riêng tên ấp Mười Quỳnh có tích như lời ông Năm Hòa kể: “Ấp này nằm trong Thứ Mười, hồi xưa có ông Sáu Quỳnh, cán bộ Việt Minh, phụ trách địa bàn. Ông Sáu đánh giặc rất giỏi, hi sinh năm 1958 trong một trận càn của Mỹ. Tưởng nhớ công lao ông, người dân lấy tên ông ráp với địa bàn, đặt tên ấp là Mười Quỳnh”.
“Hồi trào Ngô Đình Diệm, dân vô miệt thứ được coi toàn là thành phần “bất hảo” - ông Năm Hòa nhớ lại - Đó là những người trốn thuế thân, tá điền chống lại địa chủ, người trốn nợ, trai gái yêu nhau bỏ nhà trốn đi và có cả một số kẻ trộm cướp bị truy nã... Nhưng nói chung là những người nghèo dắt díu nhau vô đây, chỉ có cái xuồng là tài sản duy nhất. Rồi họ đốn lá che chòi mà ở, cắt dây choại phơi khô bện dây đem bán.
Dây choại ở đây mọc thành rừng, chắc, dai và dài giống như dây mây. Rừng tràm dày bịt bao nhiêu thì dây choại mọc lên đeo kín bấy nhiêu. Hồi đó cất nhà, dựng cột, dừng vách, đan vó, bện đăng, làm lợp bắt cá tôm... thảy đều dùng dây choại. Vùng này trên cơm dưới cá. Khoét lõm ruộng chừng vài công, cấy lúa là có gạo ăn. Cá dưới rạch thò tay xuống bắt lên cả rổ.
Bình thường cá ục dưới rạch như nước cơm sôi, tới mùa khô nước cạn cá rút hết xuống mấy cái vũng hoặc đìa, bà con tới bắt đem về. Cá nhiều ăn không hết phải phơi khô, làm mắm ăn dần. Còn rắn, rùa, kỳ đà, heo rừng, ba ba... nhiều vô số kể.
Rồi những người đi ăn ong cứ vô rừng tràm kiếm mật ong đem ra chợ Rạch Giá bán, đổi lấy vải may quần áo, đóng thêm ghe xuồng, mua tủ bàn ghế, sắm máy “cô le” chạy tới lui”. Cuộc sống miệt thứ dễ thở nên người dân trong vùng rủ thêm bà con, bạn bè ở quê từ Mỹ Tho, Bến Tre, Vĩnh Bình, Cần Thơ... qua lại làm ăn. Dân cư miệt thứ dần đông đúc.
Trẻ em ở những ấp vùng sâu của miệt thứ đến trường bằng ghe máy - Ảnh: T.T. |
Thấy chúng tôi ngắm nhìn dòng kênh Xẻo Rô nước đỏ quạch như nước trà, chị Lê Phượng Rồng (Ba Rồng) - phó ban tuyên giáo Huyện ủy An Minh - giải thích: “Coi đỏ vậy chớ không hại gì đâu. Đó là màu nước tràm trong rừng chảy ra biển. Vùng này có địa hình hơi dốc, cao ở phía rừng và thấp dần ra biển nên nước mưa chảy tự nhiên, lâu dần tạo ra mười con rạch.
Hồi xưa rạch đi ngoằn ngoèo giống như rắn bò. Hai bên bờ cỏ mọc, lá dừa nước gie ra sum suê, um tùm. Muốn đi qua phải dùng dao rựa đốn vẹt hai bên mới có chỗ trống. Trên là rừng tràm, dưới là dừa nước, dưới nữa là cỏ lác nên mặt trời ít khi rọi tới, mới chiều xuống đã thấy tối thui. Vì rậm rạp âm u nên kêu rừng U Minh cũng phải...”.
“Sản vật vùng này hồi đó bự chảng, phải nói là khổng lồ mới đúng - ông Năm Hòa tiếp nối câu chuyện - Ông nội tui kể chính mắt ông nhìn thấy con cá sấu dài gần năm chục thước, con rùa bự bằng cái nia, kỳ đà cỡ chiếc ghe tam bản, còn rắn thì kêu bằng thuồng luồng vì nó lớn hết cỡ.
Chuyện xưa kể rằng chúa Nguyễn Ánh khi bị quân Tây Sơn đuổi đánh chạy dạt vô vùng này lưu lại một thời gian. Gần Thứ Chín lúc đó có con thuồng luồng hay về bắt con nít ăn thịt, dân tình lo sợ ăn ngủ không yên. May nhờ có một vị quan của chúa Nguyễn lập mưu dụ thuồng luồng vô ngọn rạch rồi cho quân giăng lưới bắt được, giết chết. Người dân nhớ ơn đặt tên rạch là Thuồng Luồng”.
Rạch này hiện nay nằm trên phạm vi ấp Thuồng Luồng, xã Đông Hưng A, huyện An Minh.
Ảnh: Thuận Thắng |
Quả là người miệt thứ hết sức chơn chất, bình dị, cứ thấy cái gì có tích có tuồng hoặc có hình có dáng là đặt tên ngay chóc. Từ Thứ Chín Rưỡi, chúng tôi đi tiếp về hướng Thứ Mười Một. Qua khỏi Thứ Mười Một một đỗi có đoạn kênh hơi cong quẹo như cùi chỏ, vậy là người dân đặt tên cho khúc kênh này Mười Quẹo, ráp đoạn kênh quẹo với Thứ Mười mà thành.
Qua khỏi Thứ Mười Một, đi tiếp 10km tới Cán Gáo. Vùng này có kênh Cán Gáo nên tên ấp cũng là Cán Gáo, thuộc xã Đông Hưng B, huyện An Minh.
Theo ông Lâm Kiên Dũng - trưởng Đài truyền thanh huyện An Minh, hồi xưa đất này có một cái lung (bàu) rất lớn, được hình thành bởi dòng chảy sông Trẹm từ hướng Cà Mau vô, chạy lòng vòng thành những con rạch ngoằn ngoèo ôm lấy cái lung ở giữa có hình dáng như cái gáo dừa. Sau đó người dân đào một con kênh từ trong rừng đâm thẳng qua cái lung, giống như cái cán xuyên qua gáo dừa, tên gọi Cán Gáo phát sinh từ đó.
Ông Dũng kể tiếp: “Có một trùng hợp ngẫu nhiên là thời đánh Mỹ, máy bay cán gáo (trực thăng Mỹ - NV) thường quần trên đầu rồi bắn xả xuống cán bộ mình hoạt động trong vùng. Anh em mới có sáng kiến đốt khói dụ chúng bay gần vô đám cây lá um tùm bên dưới, mình núp trong đó bắn lên. Cán gáo rớt như sung rụng, tính ra có tới 18 chiếc. Địa danh Cán Gáo càng được tô đậm, gắn liền với chiến công chống Mỹ của quân dân vùng miệt thứ”.
Xa rồi thời u ám
Cả vùng miệt thứ có 25 kênh rạch. Ngoài những con kênh được đặt tên Thứ, có những kênh mới đào sau này xen kẽ giữa các kênh cũ nhưng vì nhỏ và ngắn hơn nên được gọi là “xẻo” (nghĩa là con rạch nhỏ). Miệt thứ có rất nhiều chợ họp ở chân cầu tại các “ngã tư kênh” và các chợ nổi lưu động trên các kênh. Trong ảnh: Phụ nữ lái vỏ lãi gắn máy trên kênh rạch vùng miệt thứ. |
Nhà văn Sơn Nam nếu còn sống bây giờ về thăm quê ông (Thứ Bảy, xã Đông Thái, huyện An Biên) chỉ cần phóng xe máy từ Rạch Giá vèo cái là tới. Hồi tuổi thanh niên, nhà văn muốn đi học trung học phải lặn lội qua tận Rạch Giá rồi về Cần Thơ ở trọ, cả năm mới về quê một lần, mà phải chèo ghe cả ngày mới tới. Bây giờ học trò xứ ông có trường học tại chỗ. Riêng huyện An Minh là vùng sâu hơn An Biên cũng có tới ba trường cấp THPT.
Đất rừng U Minh bây giờ không còn u ám nữa. Ông Thái Văn Khởi, phó bí thư xã Tân Thạnh - xã được coi là vùng sâu của huyện An Minh, cho biết trong xã nay đã có 85% hộ sử dụng điện, 100% hộ xài điện thoại và truyền hình. Nhiều gia đình trong xã có 6-7 người con đều học đại học, có người là tiến sĩ, thạc sĩ. Ông Lâm Kiên Dũng nhớ lại: “Chuyện học hồi đó nghe phát ớn. Mười người dốt hết chín, ban đêm phải đốt đèn dầu mù u mà học. Người biết chữ dạy người chưa biết chớ đâu có thầy cô dạy dỗ đàng hoàng như bây giờ”.
Bây giờ chỉ cần qua tới bờ kênh Xẻo Rô đã thấy chợ búa ồn ào nhộn nhịp, tháp ăngten phủ sóng điện thoại di động cao ngất ngưởng. Con đường cặp kênh xáng Xẻo Rô xưa kia là bờ đất, sau là lộ đá đỏ, nay là quốc lộ 63 đổ bêtông rộng 7m, ôtô chạy một mạch tới Cà Mau. Dưới kênh Xẻo Rô, cứ vài chục phút lại thấy tàu cao tốc Rạch Giá - Cà Mau băng băng lướt sóng.
Cầu dây văng nối hai bờ kênh xáng Xẻo Rô ở thị trấn Thứ Mười Một - Ảnh: T.T. |
Ấn tượng mạnh với chúng tôi là hình ảnh những cô gái miệt thứ lái vỏ lãi gắn máy xe hơi phía sau chạy “hù hù” như canô tóe nước trắng xóa. Thấy tôi xuýt xoa, chị Ba Rồng giải thích: “Giống như trên bờ chị em chạy xe gắn máy tới lui mua bán làm ăn thì dưới sông chị em chạy vỏ lãi gắn máy thay cho bơi xuồng hồi trước. Do đặc điểm sông rạch chằng chịt, chị em cũng phải vươn lên ngang bằng với đàn ông, quán xuyến chuyện nhà”.
Chúng tôi qua kênh Xẻo Rô, theo con lộ nhựa dọc kênh Thứ Chín Rưỡi dài 12km ra biển. Rừng tràm do dân trồng gợi nhớ cảnh rừng khi xưa, nhưng đồng ruộng đã mở ra nhiều hơn. Nguồn lợi từ mô hình lúa - cá - tôm đang tạo đà phát triển cho vùng đất này. Cặp theo mé biển là rừng mắm bạt ngàn, thành quả từ công cuộc giữ rừng, giữ bờ chống xói lở của chính quyền địa phương.
Và có một điều nữa có thể bác Sơn Nam khó hình dung được về quê nhà mình hôm nay: ấp Xẻo Nhàu - nơi kênh Thứ Chín Rưỡi trổ ra biển - tấp nập ghe tàu đánh cá neo đậu. Xóm biển Xẻo Nhàu nghèo khổ ngày trước nay đã có nhà lầu 2-3 tầng, trên nóc nhà là rừng ăngten chĩa lên tua tủa như chuồn chuồn bay. Người dân không còn bơi xuồng đốn lá cất chòi, cắt dây choại bện kiếm sống nữa mà đã chạy vỏ lãi gắn máy ào ào, cất nhà kiên cố ì xèo, mở dịch vụ cung cấp xăng dầu, nước đá, vận chuyển hải sản và nuôi tôm làm giàu.
Ở mép bờ biển, cảng cá Xẻo Nhàu đang đóng cọc xây dựng nhà phục vụ hậu cần cho tàu biển ghé đậu. Phó chủ tịch UBND xã Tân Thạnh Nguyễn Thị Ngoãn cho biết sắp tới Nhà nước sẽ làm cầu bêtông bắc qua kênh Xẻo Rô nối liền cảng cá này. Cầu đường tới đâu, dân giàu tới đó mà!
Miệt thứ ngày nay không còn xa xôi, u ám nữa.
Bện dây choại là kế sinh nhai của nhiều người dân miệt thứ hồi xưa, nay đọt choại là một loại rau được ưa thích - Ảnh: T.T. |