KHÁI QUÁT VỀ Ý NGHĨA, CƠ SỞ HÌNH THÀNH ĐỊA DANH Ở AN GIANG - NAM BỘ XƯA VÀ NAY

 

Khi lưu dân người Việt đến khai phá, Nam Bộ là vùng hoang vu, đầm lầy, có tầng sinh đa dạng, thiên nhiên khắc nghiệt, nhiều dạng địa hình đan xen, quanh co, trắc trở… Bối cảnh đó tác động lớn đến việc lao động sản xuất, đời sống tâm lý, tôn giáo…của bà con ta. Trong đó, cách đặt tên cho nơi mình trú ngụ là một biểu hiện chịu sự tác động đó.

Việc gọi tên cho vùng đất mới nhằm đánh dấu sự tồn tại của cộng đồng luôn ẩn trong hệ thức tâm lý của từng tộc người. Với sự tác động trực tiếp của thiên nhiên vào tâm lý của người "tha hương lạc xứ", những bậc tiền nhân của chúng ta dựa vào "những điều mắt thấy, tai nghe" đặt ra những tên gọi cảm tính nôm na, gần gũi, dễ hiểu gắn chặt với đặc trưng thiên nhiên xung quanh nơi ở:

Những địa danh luôn đi liền với các yếu tố chỉ địa hình, đặc trưng thiên nhiên sông, kinh, rạch, xẻo, vàm, vịnh, láng, cù lao, đầm, bào, ngã, ngọn, doi,...: địa danh Cái Đầm, Vàm Nao (Phú Tân), Láng Linh (Châu Phú), Cái Hố (Chợ Mới), Lung Trên, Lung Dưới, Ngã Ba (Châu Phú), Ngọn Cạy (Chợ Mới)… Cách gọi nôm na này ban đầu chỉ "làm hiệu" để dễ dàng nhận diện giữa nơi này với nơi khác, lâu dần hình thành địa danh chính thức.

Sơ kỳ, thiên nhiên đa dạng, động, thực vật phong phú, con người bám địa khai thổ làm ăn (cá nhân có vai trò, đặc điểm, tính cách, chức vụ… ảnh hưởng đến cộng đồng), nên việc "gặp gì đặt nấy" cho nơi ở vốn có trong thói quen người bình dân Nam Bộ xưa. Do vậy, ở An Giang – Nam Bộ nhiều địa danh ra đời theo cách thức chung: yếu tố địa thế thiên nhiên + tên động, thực vật, tên người, như: Cù lao Cây Sao, Rạch Chanh (hoặc Tranh), Cù lao Ông Hổ, Cù lao Ông Chưởng, Vịnh Tre, Bãi Thưa, kinh Ông Cò, Cồn Én, Mương Trâu, Xép Bà Lý, Rạch Rích, Rạch Thầy Phó, Rạch Sung, Bàu Mướp, …

Ngoài "sông nước, bưng biền" hình thành tên gọi theo cấu trúc trên, thì đồi núi cũng vậy: núi Tượng, núi Kéc, núi Bà Đội Om, núi Nước, Vĩnh Tế sơn (núi Sam), Hòn Khoai, Hòn Tre, núi Thoại Sơn…

* * *

Trước khi vào Nam, cuộc sống lưu dân chịu bao cảnh lầm than ở cố hương. Người bỏ xứ ra đi có đủ thành phần: "Tù nhân, tội đồ, bị nhà nước phong kiến đưa vào khai hoang ở các đồn điền tại đây. Một số người lại là những người giang hồ, dân nghèo đi biệt xứ tha phương, tìm đến đây, như tìm một chân trời yên ả, dễ thở hơn so với vùng đất họ từng cư trú…" (1). Dù đối tượng nào, mẫu số chung là những người chán ghét cuộc sống gò ép, chật chội trong chế độ phong kiến Đàng Ngoài. Họ muốn tìm khoảng trời mới tự do, ấm no. Nhưng, muốn tự do, tồn tại giữa thiên nhiên hào phóng mà "chim kêu cũng sợ", họ phải đấu tranh trước mọi sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Song song cuộc "vật lộn" sinh tồn trong tâm thức, họ luôn đặt niềm tin bền vững – no ấm, bình an... Biểu hiện là tên gọi cho nơi mình mới tới đứng trụ.

Đặt tên làng, thôn theo quan niệm "yên vui – hạnh phúc – phát triển" không chỉ có ở người bình dân – cách nghĩ thực tế, mà ngay quan lại đương thời từng đến đây cai quản cũng "hy vọng vào điều mình cầu".

Khu Lăng mộ Thoại Ngọc Hầu (Châu Đốc), người có công khai phá vùng đất Nam Bộ. 

Ngay từ khi thành lập tỉnh, năm 1832, triều đình nhà Nguyễn đặt cho nơi biên ải bằng cái tên rất "mỹ từ", mong sự yên bình ở xứ sở có nhiều sông, ngòi chằng chịt: An Giang (nghĩa: Bình an nơi sông nước). Lần lượt nhiều nơi được khẩn hoang, lập làng, xuất hiện địa danh thể hiện niềm hy vọng an vui trước "sông sâu nước chảy", "rừng thiêng nước độc". Địa danh làng, xã ở An Giang xưa thường bắt đầu từ chữ "Tân" (mới, vùng đất mới), "Vĩnh" (mãi mãi, trường tồn), và "Phú" (giàu có). "Thời Minh Mạng tỉnh An Giang có 167 thôn, (làng...), trong đó: 32 làng bắt đầu từ chữ "Tân", 32 làng bắt đầu từ chữ "Vĩnh", 12 làng bắt đầu từ chữ "Phú"(2). Hiện nay, toàn tỉnh An Giang, địa danh có chữ "Vĩnh" chiếm 27/137 xã, phường, thị trấn; chữ "Phú" 28/127 xã, phường, thị trấn; địa danh bắt đầu từ chữ "Mỹ" (đẹp, tốt đẹp) có 15/137 phường, xã, thị trấn; địa danh mang chữ "Tân" còn 8/137 phường, xã, thị trấn. "Tân", "Vĩnh", "Phú"… phản ánh ước vọng con người trước thiên tai, địch họa vùng đất mới đang sinh sống. Quan điểm này, ít nhiều tác động đến thời kỳ chia – nhập – đặt tên hành chính từ thời thuộc Pháp đến nay.

Ngoài ra, trong số địa danh hành chính ở An Giang, thì yếu tố từ "An", "Bình", "Thới"… cũng chiếm số lượng đáng kể.

Hiện nay trên địa bàn Long Xuyên, Châu Đốc, Tân Châu, An Phú, Châu Thành, Thoại Sơn còn tồn tại nhiều địa danh hành chính mang từ "Vĩnh, Phú, Mỹ".

Như trên đề cập ở trên, cư dân Nam Tiến bao gồm nhiều thành phần, tự nguyện hay ép buộc, họ điều mang kỷ niệm "quê cha đất tổ". Khi ra đi, họ mang theo "tiếng quê mình" đến nơi ở mới cho vơi đi nỗi nhớ cố hương. Hoặc, để nhắc nhở con cháu rằng, ngoài quê hương thứ hai trù phú, nguồn gốc của gia tộc là "cái nôi xa lắc" một thời khổ cực ngoài kia.

Diễn trình mang theo "tiếng quê", người xưa tạm dừng chân trên đường, đặt tên "tiếng quê" – địa danh quê gốc cho nơi ở tạm. Cuộc sống chưa như ý muốn, đất đai rộng mở, thôi thúc họ tiếp tục đi. Dừng chân, đặt tên "quê gốc" lần thứ hai cho nơi mới nữa. Như thế, quá trình đó cứ liên tục diễn ra, mãi khi nào trạm dừng chân cuối cùng thật sự no ấm, tự do. Hành khúc đi – đặt tên làm cho nhiều vùng đất họ đi qua, đã khiến nhiều địa phương có tên giống nhau, hoặc na ná nhau. Trong Ngũ trấn đất Nam Bộ bấy giờ xuất hiện các tên gọi thôn, làng như: thôn Tân Thuận, Tân An (tổng Bình Trị), thôn Tân Thuận (tổng Định Hòa), thôn Tân An (tổng Tân Long), thôn Tân An (tổng Bình Chánh) thuộc phủ Tân Bình, trấn Phiên An và thôn Tân An (tổng Kiến Thuận, phủ Kiến An, trấn Định Tường)… Tuy nhiên, việc trùng lắp này cũng xuất phát từ sự "bắt chước" tên gọi của nhau qua giao lưu làm ăn chứ không hẳn cùng một nguồn gốc cư dân…

Ý nghĩa, sự hình thành địa danh theo cách phân loại trên chiếm đa số. Ngoài ra, còn được phân loại nhỏ hơn như (3):

- Dựa theo cảnh quan, hình thắng

- Dựa theo công dụng

- Dựa theo sự kiện lịch sử

- Dựa theo sinh hoạt làng nghề…

Địa danh là "tấm bia lịch sử". Tâm tư, tình cảm của người xưa gửi gắm vào địa danh là sức mạnh vô hình giúp tồn tại trước mọi biến cố lịch sử. Nó thấm vào máu thịt, vào tâm hồn từ khi sinh ra. Người dân An Giang – Nam Bộ trong suốt thời mở đất đã kiên trì đấu tranh nhằm giữ mảnh đất mà họ chém lưỡi phảng, xắn lưỡi leng đầu tiên đánh dấu sự khai phá của mình.

"Lững thững chiều khói đồng cay khóe mắt

Ta bỏ quê về phố lẻ loi mình

Cánh đồng vàng nghe hạt lúa lênh đênh

a dụi mắt thương quê thêm lần nữa"

Viết ở Long Xuyên – Lung Ấu,
cuối tháng 2 năm 2013

LIÊU NGỌC ÂN

Chú thích và tài liệu tham khảo:

(1) Trần Quốc Vượng (chủ biên), Cơ sở Văn hóa Việt Nam, Nxb Giáo dục Việt Nam (tái bản lần 3), 2011, trang 286.

(2), (3), Nguyễn Hữu Hiệp, Địa danh chí An Giang xưa và nay, Nxb Thời đại, 2012.

- Nguyễn Văn Âu, Một số vấn đề về địa danh học Việt Nam, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội (in lần thứ 3), 2008.

- PGS.TS Lê Trung Hoa, Tìm hiểu nguồn gốc địa danh Nam Bộ và tiếng Việt văn học, Nxb KHXH, 2005.

- T.S Lý Tùng Hiếu, Ngôn ngữ văn hóa vùng đất Sài Gòn và Nam Bộ, Nxb Tổng hợp TP HCM, 2012.

- Trịnh Hoài Đức, Gia Định Thành thông chí (Lý Việt Dũng dịch và chú giải; Huỳnh Văn Tới hiệu đính, giới thiệu), (bản điện tử).

- Nguyễn Phương Thảo, Văn hóa dân gian Nam Bộ những phác thảo, Nxb Văn hóa – Thông tin, 2007.

Theo Báo Cần Thơ Online

https://baocantho.com.vn/khai-quat-ve-y-nghia-co-so-hinh-thanh-dia-danh-o-an-giang-nam-bo-xua-va-nay-a20848.html

Theme images by kevinruss. Powered by Blogger.