SƠ LƯỢC VỀ VÙNG THẤT SƠN, TỈNH AN GIANG


Thất Sơn là tên gọi chung của vùng núi phía Tây Nam, cận biên giới Campuchia, thuộc hai huyện Tịnh Biên và Tri Tôn của tỉnh An Giang;
dân gian thường gọi nôm na là Bảy Núi. Vùng đồng bằng này có đến gần 40 ngọn núi, nhưng chỉ có bảy ngọn nổi bật: Ngọa Long Sơn (núi Dài), Ngũ Hồ Sơn (núi Dài Năm Giếng), Phụng Hoàng Sơn (núi Cô Tô), Thủy Đài Sơn (núi Nước), Anh Vũ Sơn (núi Két), Liên Hoa Sơn (núi Tượng) và Thiên Cấm Sơn (núi Cấm, cao nhất trong Thất Sơn, 716m).
1.Thủy Đài Sơn (núi Nước):
Núi cách thị trấn Ba Chúc chừng 2 km về phía ngã ba Lạc Quới. Đây là ngọn núi nhỏ nhất, thấp nhất trong dãy Thất Sơn, với độ cao chỉ là 20 m. Xung quanh hòn núi này khung cảnh thật đẹp, với những cánh đồng lúa chín vàng tươi, xa xa là dãy núi Ngọa Long Sơn (núi Dài) nằm ngang phía trước.

2. Ngũ Hồ Sơn (núi Dài 5 Giếng):
Núi có độ cao 265 m so với mực nước biển, là ngọn núi cao thứ tư trong bảy núi. Ngũ Hồ thuộc thị trấn Nhà Bàng, vách phía tây và đông thuộc địa phận xã An Phú, Văn Giáo của huyện Tịnh Biên. Núi có địa hình rất hiểm trở, nằm đối diện với Anh Vũ Sơn (núi Ông Két).
3. Anh Vũ Sơn (núi Ông Két)
Núi Anh Vũ Sơn có độ cao là 225m, dài 1.100 m, nằm cách chợ Nhà Bàng khoảng chừng 2,5km, về phía huyện Tri Tôn. Đường lên đỉnh do người dân lên núi kiếm củi tạo thành. Đoạn này ngắn hơn đoạn vào cổng chính. Điều thú vị là đoạn này còn rất hoang sơ, ít người qua lại, khung cảnh rừng núi còn vẻ nguyên sinh, nên rất đẹp và thanh tịnh. Nhiều phiến đá tạo hình dáng tự nhiên rất đẹp.
4. Ngọa Long Sơn (núi Dài lớn): 
Núi có độ cao 580 m, dài 8.000 m, là ngọn núi dài nhất trong dãy Thất Sơn. Núi cách trung tâm thị trấn Ba Chúc khoảng chừng 3 km về phía tây, đi trở ra hướng Tri Tôn, có những hàng trúc màu vàng, trông rất đẹp mắt, được trồng theo ven đường vào núi.  Một hồ chứa nước lớn đang được xây dưới chân Ngọa Long Sơn, vừa phục vụ sinh hoạt cho người dân, vừa phục vụ cho nông nghiệp, và cũng sẽ là một điểm du lịch sinh thái trong tương lai.
5. Liên Hoa Sơn (núi Tượng): 
Có độ cao 145 m, chiều dài 600 m, đây là ngọn núi nhỏ thứ 2 trong dãy Thất Sơn. Nằm ở giữa trung tâm thị trấn Ba Chúc, núi này đi lên được một đoạn là hết đường mòn, phải định hướng để đi lên. Cây rừng trên núi ít bị khai hoang nên mọc um tùm, lấp cả lối đi. Trên núi Tượng có nhiều tre, che khuất cả lối lên núi. Những loại cây ăn trái rất ít khi gặp trong dãy Thất Sơn, chỉ có ở Liên Hoa Sơn. Núi cũng chưa có đường nội bộ chạy xe lên như các núi khác. 
6. Thiên Cấm Sơn (núi Ông Cấm): 
Có độ cao 716 m, dài 7.500m, đây là ngọn núi cao nhất trong dãy Thất Sơn, và cũng là ngọn núi thiêng nhất trong vùng Bảy Núi. Muốn lên núi, du khách có thể đi bộ theo các lối mòn trong rừng, đi xe khách lữ hành hoặc đi cáp treo. Trên núi có một hồ chứa nước thiên nhiên rất rộng và đẹp, gọi là hồ Thủy Liêm. Những đám mây lúc nào cũng như ẩn như hiện. Điện Bồ Hong là đỉnh cao nhất của Thiên Cấm Sơn. Vồ Bồ Hong cũng là vồ cao nhất trong Năm Non. Trên vồ Bồ Hong, nhìn ra bốn phương, mây núi chập chờn, với những cánh đồng, núi non trùng điệp thấp thoáng dưới chân.
7. Phụng Hoàng Sơn (núi Cô Tô): 
Núi có độ cao 614 m, là ngọn núi cao thứ nhì trong dãy Thất Sơn, với chiều dài là 5.800m, đây là ngọn núi có chiều dài đứng hàng thứ ba. Tương truyền, rất nhiều loài chim về đây trú ngụ, trong đó có loài chim phụng. Hình dáng núi đẹp và cũng mang dáng vẻ chim phụng. Núi có cái đồi dính liền về phía tây, gọi là đồi Tức Dụp. Khách lần đầu đến Phụng Hoàng Sơn đều trầm trồ vì khung cảnh sơn thủy hữu tình tuyệt đẹp nơi đây.
 Nguồn Tổng hợp


Theme images by kevinruss. Powered by Blogger.