Sơ lược tên gọi 5 NON - 7 NÚI
NĂM NON, BẢY NÚI Ở MIỀN TÂY NAM BỘ
Năm non, bảy núi… Chỉ những địa danh mang tính tiêu biểu nhất,
thật ra trong quần thể núi ở Thất Sơn, nằm trong bốn huyện thị như Tri Tôn, Tịnh
Biên, Thoại Sơn và Châu Đốc của An Giang,
với gần 40 hòn núi lớn nhỏ. Một quần thể núi có một không hai ở đồng bằng Nam Bộ, mà thiên nhiên ban tặng. Khách tham quan du lịch và người hành hương thường biết nhiều về một núi Sam - có miếu Bà Chúa Xứ, về một núi Cấm có chùa Phật Lớn, chùa Vạn Linh hay một đồi Tức Dụp 2 triệu đôla… hoặc là một núi Ba Thê với nền văn hóa Óc Eo v.v…
với gần 40 hòn núi lớn nhỏ. Một quần thể núi có một không hai ở đồng bằng Nam Bộ, mà thiên nhiên ban tặng. Khách tham quan du lịch và người hành hương thường biết nhiều về một núi Sam - có miếu Bà Chúa Xứ, về một núi Cấm có chùa Phật Lớn, chùa Vạn Linh hay một đồi Tức Dụp 2 triệu đôla… hoặc là một núi Ba Thê với nền văn hóa Óc Eo v.v…
Có lẽ, quần thể núi có địa danh Thất Sơn là một kỳ bí ở miền
Tây Nam Bộ này vì núi trong vùng trũng của đồng bằng – núi không cao như ở miền
Trung, Tây Nguyên,Tây Bắc, nhưng rất đặc thù, chính là nóc nhà của đồng bằng
Sông Cửu Long. Cách đây hơn 50 năm (năm 1955), Dật Sĩ và Nguyễn Văn Hầu đã dày
công sưu khảo và viết nên tập “Thất Sơn mầu nhiệm” có đoạn: “… dãy Thất Sơn huyền
diệu hiển linh, nhiệm mầu kỳ bí, vùng hoa - địa của nước Việt Nam, bởi đó là
nơi tích tụ tinh hoa của Đất - Nước. Đến cái việc đặt dấu chơn trên Thất Sơn
thì có biết bao nhiêu người vẫn chưa được dịp..”
I - NĂM NON Ở ĐÂU?
Cũng theo Nguyễn Văn Hầu – Năm non là 5 ngọn vồ tiêu biểu
trong hàng chục ngọn vồ, hang động… trên núi Cấm (Thiên Cấm Sơn), thuộc địa phận
huyện Tịnh Biên (vách phía đông), và huyện Tri Tôn (vách phía tây), có độ cao
vượt trội và nhiều kỳ tích.
1 - Vồ Bồ Hong, vồ cao nhất Núi Cấm, cũng là nóc nhà cao nhất
Thất Sơn .Tục rằng, ngày xưa ít ai lên được nên loại bồ hong sinh nở dày đặc tại
vồ này, nằm trên độ cao 716 mét, góc phía Tây của núi. Ngày nay, trên đỉnh đã
hình thành ấp, dân cư trên một trăm nóc gia. Và từ đó chợ, nhà trọ, quán nước
và Trạm truyền hình phát lại của VTV… hình thành. Chợ nhóm cả ngày lẫn đêm với
nhiều thức ăn cả chay lẫn mặn. Nhớ cách đây vài năm, cùng với nhóm nhà văn, nhà
thơ Tp.Hồ Chí Minh đi du ngoạn thực tế, ở lại đêm trên vồ, mướn ngủ trọ mỗi người
ba ngàn đồng được miễn phí một thùng nước để tắm, mùng chiếu và cái võng… tùy
thích ngủ sao cũng được miễn là ăn uống tại quán chủ trọ. Nhà thơ Chim Trắng,
nguyên Tổng biên tập Tuần báo Văn Nghệ TPHCM chưng hửng, buột miệng: ”Nhà trọ xứ
ta cũng có nơi bình dân đến vậy sao?!“… Đêm, và nhất là buổi sáng mùa mưa mây
mù, tuyết rơi trắng xóa vây phủ, ta có cảm giác rất khoái lạc giữa cảnh tiên bồng…
Lên vồ Bồ Hong, sẽ được nhìn ra bốn phương, tám hướng, mây núi ngút ngàn cùng với
ruộng, núi chập chùng thấp dưới chân ta.
2 - Vồ Đầu, chếch về phía Tây Bắc của núi, cao 584 mét – Tục
truyền rằng , do người đầu tiên lên đây đặt. Lên vồ ta sẽ nhìn xa, rộng về đất
bạn Campuchia, gặp núi Tà Lơn (núi Tượng Lăng) nằm trên 2 tỉnh Tà Keo và Cam Bốt,
phía dưới là đồng ruộng, cụm núi Tượng, Phú Cường và ngược ra Núi Sam, Châu Đốc
rất thơ mộng. Nhìn lại phía Đông thấy chùa Vạn Linh như một bức tranh thủy mạc,
cạnh đó là tượng Phật Di Lặc cao 36 mét, mới được xây dựng đang tươi cười, thư
thái trên mảng rừng xanh chập chùng.
3 - Vồ Bà, cao 579 mét về phía Nam, nơi đây có Điện rộng nằm
trong hang đá và thờ Bà Chúa Xứ- Còn có người gọi là vồ Bà Phnom Barech – người
hành hương đến để cúng Bà, xin ân đức trong cuộc sống và làm ăn.
4 - Vồ Ong Bướm, người xưa kể nơi đây ngày xưa có Ong Bướm,
Ong Vôi về ở nên có tên này, nằm phía Bắc cao 480 mét.
5 - Vồ Thiên Tuế, còn có tên là vồ Phnom Prapéal - trên vồ này
có hàng trăm cây thiên tuế lớn nhỏ từ bao đời nay, hiện chính quyền địa phương
đặt ấp Thiên Tuế, gần bốn chục hộ dân sinh sống, nằm phía Đông của núi…
Ngoài ra, còn nhiều vồ, điện, suối khác như điện Rau Tần -
vì nhiều loại rau ở đây mọc quanh năm, trong đó rau tần chiếm đa số, hay suối
Thanh Long… Nhớ soạn giả Trọng Nguyễn sau giải phóng có bài ca cổ ca ngợi gái Bảy
Núi anh hùng yêu trai Đất Mũi, có đoạn ông viết: …"Qua Điện Rau Tần thơm bửa
canh chua, ơi Bảy Núi quê em từ Cô Tô đến đồi Tức Dụp"…
II - BẢY NÚI GỒM NHỮNG NÚI NÀO?
1 - Quần thể Thất Sơn, không chỉ kỳ bí về địa danh, thắng cảnh
mà còn mang dấu ấn về huyền thoại tâm linh, đậm nét từ các lễ hội chùa miếu
quanh năm, những kỳ tích anh hùng trong nhiều thời kỳ chiến tranh chống xâm lược.
Cửa ngõ của Thất Sơn có lẽ là núi Sam, dù không nằm trong danh mục Bảy Núi, cao
228 mét, chu vi trên 5200 mét, gắn với núi Sam có miếu Bà Chúa Xứ với lễ hội
cao điểm vào 23,24/4 âl hằng năm là một nơi thu hút du khách nhất nhì trong nước.
Lần sâu vào là cảnh vật, núi non của Núi Cấm - Thiên Cấm Sơn, cao nhất và đứng
hàng đầu tiên Thất Sơn, vách phía Đông và Bắc thuộc Tịnh Biên, phía Tây và Nam
là Tri Tôn, độ cao 716 mét, dài 7.500 mét, rộng hơn 6.800 mét. Tục truyền, núi
Trời Cấm là vì lúc Nguyễn Ánh (vua Gia Long) khi xưa thất trận, bị quân Tây Sơn
truy nã, có lúc lên núi này ẩn náu. Để tránh bị lộ nên các quan cấm không cho
người dân lên đây, viện cớ có nhiều yêu tinh, thú dữ, từ đó mà có tên núi Cấm
-Thiên Cấm Sơn, núi lớn và cao nhất trong danh mục Thất Sơn.
2 - Núi Dài - Ngọa Long Sơn, cao 580 mét, dài nhất trong Bảy
Núi, trên 8.000mét, nằm dọc theo tỉnh lộ 955B thuộc 4 xã Châu Lăng, Lương Phi,
Ba Chúc, Lê Trì của Tri Tôn, rộng trên 4.500 mét, núi dài nên có tên Ngọa Long
(Rồng nằm). Có những địa danh bất diệt như Ô Tà Sóc (suối Ông Sóc – theo tiếng
Khmer là Tà) nơi tỉnh ủy An Giang làm căn cứ suốt trong nhiều năm, nhiều lần
trong thời kỳ chống Mỹ, có nhiều vồ, hang, lò ảng… như vồ 400, vồ Cỏ Sả (Vồ cao
nhất), bụng ông Địa, đặc biệt là đồi Ma Thiên Lãnh, nơi có hang rộng chứa hàng
chục người, năm 1969 một tiểu đội tiền tiêu của Đoàn 61, chủ lực miền, đóng chặn
cửa vào căn cứ Ô Tà Sóc, bị máy bay địch ném bom 500 ký làm sập miệng hang, 7
người chiến sĩ kẹt trong ấy, lúc đầu đơn vị tiếp lương thực vào bằng cách thụt ống
tre, đưa cơm cháo, thức ăn… nhưng mấy ngày sau vì địch tập trung càn quét liên
tục, đơn vị phải di chuyển về U Minh, nên chia tay với các anh, sự hy sinh dũng
cảm ấy đã hơn ba mươi năm qua, nhưng như còn là một nỗi đau quặn thắt từng ngày
trong lòng mọi người dân địa phương. Để ghi nhớ các anh, và giữ yên chỗ các anh
nằm lại mãi mãi. Ngày kỷ niệm 27/7/1997 ngành thương binh xã hội tỉnh An Giang,
cùng địa phương xã Lương Phi, huyện Tri Tôn mở đường lên chót đồi này xây dựng
bia tưởng niệm các anh. Thời gian qua có biết bao du khách về nguồn đều lên để
cúng viếng các liệt sĩ vô danh ấy. Nhiều áng văn chương, thơ ca, nhạc cổ ca ngợi
về sự hy sinh ấy, như: …"Hãy ngồi thêm chút nữa bạn ơi/ Nhang sắp tàn, thắp
thêm tuần nhang nữa/ Đồi rộng quá, làn khói thì bé nhỏ/ Gió có đưa vào chỗ các
anh nằm"… -(Thơ Nguyễn Thị Trà Giang). Trong quần thể của căn cứ Ô Tà Sóc
có trên mười địa danh khác nằm trong lò ảng từ chân suối lên gần đỉnh như đội Bảo
Vệ, hang Quân Y, Dân Y, hang Tuyên Huấn, Điện đài, Phụ Nữ, Cơ Yếu… và điện Trời
Gầm làm văn phòng, hội trường Tỉnh ủy chứa gần cả trăm người ăn ở, sinh hoạt –
Là đỉnh cao căn cứ, nằm trải dài theo lòng suối thiên nhiên, hang động kỳ bí,
quanh co uốn khúc theo lò ảng hơn 1.000 mét từ chân núi lên, nếu ai đã có nép
mình vào địa đạo Củ Chi, thì đây là địa đạo thứ hai vậy.
3 - Núi Cô Tô - Phụng Hoàng Sơn, thuộc xã Núi Tô, Tri Tôn,
núi ngày xưa là núi của chim Phụng , có rất nhiều loại về đây trú ngụ, dáng núi
đẹp cũng mang hình chim phụng, có cái đuôi - gọi là đồi gắn liền về phía Tây, nổi
danh là đồi Tức Dụp (Tức Chóp - nước quanh năm, nghĩa theo tiếng Khmer), ngày
nay có tên là ngọn đồi 2 triệu đô la vì bọn Mỹ, ngụy và chư hầu đã đánh vào ngọn
đồi trong suốt thời gian 128 ngày đêm, nhưng không chiếm được căn cứ của huyện
Tri Tôn lúc bấy giờ, chúng tuyên bố đã chi phí quân sự vào đây tương đương 2
triệu đôla. Núi Cô Tô cao 614 mét, dài 5.800mét, rộng 3.700mét. Vách phía Đông
Bắc ngửa mặt về thị trấn Tri Tôn (Xà Tón ngày xưa), núi có nhiều danh lam thắng
cảnh như Mũi Hải, Tam Cấp, Vồ Hội, Sân Tiên, Pháo đài… Bước vào chân núi là hồ
Xoài So (Xoài trắng, nghĩa theo tiếng Khmer) là khu du lịch sinh thái bậc nhất
của huyện hiện nay đang xúc tiến đầu tư, có suối nuớc long lanh những mạc vàng
óng ánh, nên tục gọi là Suối Vàng… Sắp sửa có con đường từ đây nối qua Tức Dụp,
để ta vào nghỉ chân trong hang Tuyên Huấn của Tỉnh ủy An Giang những năm chiến
tranh, hang rộng, có nước chảy róc rách, chứa trên 50 người cho một buổi họp mặt,
liên hoan… Rồi qua Khu du lịch Tức Dụp, ngắm cảnh núi đá lộ thiên, leo lên ngọn
của hòn non bộ khổng lồ trên độ cao gần 200 mét, rộng trên 3.000 mét nhưng toàn
là đá chất chồng lên đá. Hay tuột xuống lò ảng như vào một cõi âm nào đó, ta
cùng những người du kích năm xưa vạch bản đồ, chỉ ra ngõ ngách để tìm diệt địch,
giữ lại lời thề quyết tử cho đồi không vào tay bọn Mỹ - suốt 128 ngày đêm bám
trụ – Thiên bi hùng còn mãi với thơ ca: …"Ngủ đêm trên đồi Tức Dụp/ Đá thở,
nhịp thở vào ra/ Khắc tim in hình mỏm đá/ Qua đêm thức mọi giấc lòng… (thơ - Trần
Thế Vinh).- Những anh hùng ấy bất diệt cùng với tên ngọn đồi mà Mỹ phải trả giá
đến 2 triệu đô la.
4 - Núi Dài Nhỏ - Ngũ Hồ Sơn, ngọn núi cao thứ tư trong Bảy
Núi, với 265 mét, chu vi 8.751 mét, có 5 giếng nước trên núi, nên còn gọi Ngũ hồ,
thuộc thị trấn Nhà Bàng, vách phía Tây và Đông địa phận xã An Phú, Văn Giáo của
Tịnh Biên. Núi hiểm trở, vườn cây trái quanh năm. Ngày nay, nếu muốn len sâu
vào tìm một cuộc du sơn yên tĩnh, trầm cảm với thiên nhiên, ta vào con đường
cát quanh co hơn 3 cây số sẽ được chủ trang trại ổi – ông Bảy Thìn - ân cần đón
tiếp. Cây trái như ổi, xoài, bưởi, mận, sầu riêng, thanh long… đều có đủ theo
mùa.
5 - Núi Két - Anh Vũ Sơn, ngọn núi cao 225 mét, dài và rộng
trên 1.100mét, hình khối tròn, có phiến đá dựng hình đầu một con két khổng lồ nằm
đưa ra vách phía tây – nên có tên khác là Anh Vũ. Núi dựng phía đông thị trấn
Nhà Bàng, Tịnh Biên, dọc theo triền dốc lên vách núi để vào núi Cấm, Tri Tôn,
có nhiều cảnh đẹp như vừơn xoài mát rượi, thoai thoải theo trục đường có nghĩa
trang uy nghi, trầm mặc, nơi yên nghỉ của những liệt sĩ, anh hùng hy sinh trong
chiến tranh biên giới Tây Nam, và đi làm nghĩa vụ quốc tế. Cạnh bên là tượng
chiến sĩ thổi kèn, biểu tượng người du kích Thới Sơn anh hùng hơn 30 năm trước
đây, còn hừng hực nét kiêu hùng sau giờ chiến thắng.
6 - Núi Tượng - Liên Hoa Sơn, núi cao 145 mét, dài hơn 600
mét và rộng 400 mét, nằm trọn địa phận thị trấn Ba Chúc, Tri Tôn. Vách phía
Tây, giáp mặt với kinh Vĩnh Tế, do ông Thoại Ngọc Hầu đào những năm hai mươi,
thế kỷ l9, xa hơn là núi Trái Tim, núi Thum Đưng, thuộc huyện Kirivong của nước
bạn Campuchia - có dáng đầu con voi (tượng) nhô ra, leo lên là thắng cảnh đỉnh
Hoàng San của núi Tượng, ta sẽ ngắm trọn quang cảnh chung quanh, nhất là nhìn
xuống đồng xanh bát ngát, có trái núi nhỏ nhô lên trong mùa nước nổi, gọi là
núi Nước. Vách phía Đông, chợ búa xôn xao, với cảnh hồi sinh một thị trấn trẻ.
Cặp vách núi là khu di tích căm thù có nhà mồ tập thể, chứa đựng 1.159 bộ hài cốt
nạn nhân bị bọn PônPốt - IêngSaRy thảm sát năm 1978. Hai cảnh chùa hai đầu là
Phi Lai, Tam Bửu với kiến trúc cổ, đậm nét của tôn giáo Tứ Ân Hiếu Nghĩa do Ngô
Lợi, tức Bổn Sư sáng lập từ năm 1868 đến nay.
7 - Núi Nước - Thủy Đài Sơn, núi nhỏ nhất trong danh sách Thất
Sơn, cao chưa được 20 mét, diện tích trên dưới 300m2, cấu trúc đất, và những tảng
đá lớn, nhỏ bằng phẳng, như một hòn non bộ nằm trên cánh đồng phía Tây Nam và
cách chân núi Tượng khoảng 500 mét - như một hòn lẻ của núi Tượng, nhưng lại có
tên trong Bảy Núi - Thủy Đài Sơn, núi nằm dưới nước! Từ núi Tượng ra bằng con
đường độc đạo, cửa núi có một kiểng chùa của tín đồ Tứ Ân Hiếu Nghĩa, len qua
là những bậc thang của núi, để lên đỉnh - một tảng đá bằng phẳng, cây lâm dồ
che rợp mát, đủ để hơn 20 người ngồi sinh hoạt tập thể, ngắm nhìn ra bốn phía
ruộng lúa xanh tươi, hưởng trọn không khí trong lành, nhất là vào mùa nước nổi
từ tháng 6 đến tháng 10 trong năm. Núi Tượng và quần thể khu di tích Nhà mồ,
chùa Phi Lai, Tam Bửu, đồi Tức Dụp, quần thể căn cứ Ô Tà Sóc - núi Dài đều đã
được công nhận di tích cấp quốc gia.
Du ngoạn núi non ở Thất Sơn còn có dịp ta kết hợp xem, tìm
hiểu về những phong tục lễ hội văn hóa, thể thao… đặc thù có một không hai của
đồng bào dân tộc Khmer Nam bộ, đó là hội đua bò Bảy Núi hằng năm vào cuối tháng
9, đầu tháng 10. Hội đua trọn 1 ngày thi thố tài ba của trên 40 đôi bò quy tụ ở
Tri Tôn, Tịnh Biên, Châu Thành… luân phiên mỗi năm ở một trong hai trường đua:
Chùa Tà Miệt (TriTôn), chùa Tha Mít (Tịnh Biên), mỗi năm du khách đến xem từ 15
đến 20 ngàn người. Là một cuộc hẹn đầy hấp dẫn đối với những ai chưa một lần biết
đến tính hào hứng và kịch tính của những vòng đua quyết liệt đoạn chung kết, có
những đôi bò “bứt rút” với tốc độ vượt qua 80 km/giờ ở giai đoạn 100 mét vòng
thả để về đích.
Năm non, bảy núi ở vùng đồng bằng Tây Nam Bộ, là một đặc
thù, danh lam thắng cảnh, di tích…không phải nơi nào cũng có được. Vùng đất
khai mở hơn 250 năm qua, đã gắn liền với địa linh nhân kiệt vùng phía Tây Nam Bộ
như Trương Công Định, Thoại Ngọc Hầu, Nguyễn Trung Trực, Mạc Cửu, Phan Văn Trị
,Trần Văn Thành, Ngô Lợi…
x