Thoại Ngọc Hầu- Danh tướng với các công trình kinh tế, quốc phòng tại vùng đất phương Nam đầu thế kỷ XVIII.

 Nhà Nguyễn là vương triều có công lớn trong việc mở mang và phát triển bờ cõi đất Nam, đặc biệt là vùng đất Nam Bộ. Tuy nhiên để có những thành quả lớn lao đó không thể không nhắc đến công sức của các vị “Khai quốc công thần” nhà Nguyễn như Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh, Tả quân Lê Văn Duyệt…và Thoại Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thoại, một danh tướng mà tên tuổi đã gắn liền với các công trình kinh tế, quốc phòng lớn tại vùng đất phương Nam đầu thế kỷ XVIII mà giá trị vẫn còn nguyên cho đến nay.

Thoại Ngọc Hầu sinh ngày 26 tháng 11 năm Tân Tỵ (1761) niên hiệu Cảnh Hưng thứ 22 tại làng An Hải, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (nay thuộc phường An Hải Tây, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng). Ông lớn lên giữa các cuộc chiến liên miên tranh giành quyền lực của Chúa Trịnh và Nguyễn, tiếp theo nữa là phong trào nổi dậy khởi nghĩa của nông dân Tây Sơn. Vì thế ông và hai em theo mẹ chạy nạn vào Nam, cuối cùng định cư tại làng Thới Bình, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Vào năm Đinh Dậu (1777), tròn 16 tuổi ông gia nhập vào quân đội nhà Nguyễn ở Ba Giồng (nay thuộc Hóc Môn, thành phố Hồ Chí Minh).

Tượng Thoại Ngọc Hầu (1761-1829) trong Đền thờ ông tại Châu Đốc, An Giang.

Kể từ năm 1778 đến năm 1802 với tài năng và sự trung thành của mình, ông cùng với các danh tướng khác đã giúp chúa Nguyễn thống nhất đất nước, lên ngôi với niên hiệu là Gia Long. Trong dịp khen thưởng các bề tôi có công, ông được phong Khâm sai Thống binh nhất cơ, nhận nhiệm vụ ra thu phục Bắc Thành và được giữ chức Trấn thủ ở đó. Một thời gian sau ông được phong làm Trấn thủ Lạng Sơn, rồi vào Nam nhậm chức Trấn thủ Định Tường (tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp ngày nay). Năm 1812, ông sang Cao Miên (Cămpuchia) đón Nặc Chân (vua Cao Miên) về Gia Định. Năm 1813, ông lại hộ tống Nặc Chân về nước và ở lại nhận nhiệm vụ bảo hộ Cao Miên. Ở Cao Miên được 3 năm, Thoại Ngọc Hầu được triệu về Huế rồi nhận chức Trấn thủ trấn Vĩnh Thanh (thuộc đất Gia Định) vào năm 1817. Cũng trong năm này, ông cho lập 5 làng trên cù lao Dài. Ở trấn Vĩnh Thanh, ông tích cực khuyến khích công việc khẩn hoang lập ấp, đào kinh đắp đường, phát triển kinh tế và bảo vệ vùng đất mới. Cũng chính trong thời gian này, Thoại Ngọc Hầu là người chỉ huy xây dựng một loạt các công trình lớn mà giá trị của nó còn giữ cho đến bây giờ. Năm 1818, ông thiết kế và đốc suất dân binh đào kênh nối từ rạch Đông Xuyên (Long Xuyên) với Giá Khê (Rạch Giá) dài 30km. Khi đào xong thì vua Gia Long đã cho phép ông lấy tên mình để đặt cho tên kênh (kênh Thoại Hà). Tiếp đến năm 1819, ông cùng Lê Văn Duyệt, Trương Tấn Bửu, Nguyễn Văn Tuyên…được lệnh vua Minh Mạng đào một con kênh lớn (kênh Vĩnh Tế) nằm tại địa phận hai tỉnh An Giang và Kiên Giang, thuộc đồng bằng sông Cửu Long. Đây là một con kênh đào lớn nhất trong lịch sử thời phong kiến Việt Nam. Kênh Vĩnh Tế đào song song với đường biên giới Việt Nam- Campuchia, bắt đầu từ bờ Tây sông Châu Đốc thẳng nối giáp với sông Giang Thành, thuộc thị xã Hà Tiên, Kiên Giang ngày nay. Đây là một công trình lớn mà Thoại Văn Hầu trực tiếp thiết kế và đốc suất quân dân làm việc với số nhân công lớn gồm 80.000 người, thi công gần 5 năm (1919-1824) mới hoàn thành. Công trình này là thành quả lớn lao của tập thể nhân dân mà người lãnh trách nhiệm chính với triều đình là ông. Nhân dân vui mừng, triều đình hoan hỷ vì hiệu quả to lớn của công tác doanh điền, thủy lợi và biên phòng này đem lại lợi ích lớn lao cho nhân dân Nam Bộ nói riêng và đất nước nói chung. Sách Đại Nam nhất thống chí ghi lại “Từ ấy đường sông lưu thông, từ kế hoạch trong nước, phòng giữ ngoài biên, cho tới nhân dân buôn bán đều được tiện lợi vô cùng”. Năm 1836, vua Minh Mạng cho đúc Cửu đỉnh làm quốc bảo, hình kênh Vĩnh Tế được chạm khắc trên Cao đỉnh. Sở dĩ kênh mang tên Vĩnh Tế, bởi vì vua Minh Mạng rất vui mừng sau khi hoàn thành công trình này nên vua đặc ân cho Thoại Văn Hầu lấy tên vợ chính của ông là Châu Thị Tế đặt tên cho kênh. Cho đến ngày nay, kênh vẫn còn giá trị lớn về các mặt trị thủy, giao thông, thương mại, biên phòng, thể hiện sức lao động sáng tạo xây dựng đất nước của nhân dân Việt và chính sách coi trọng thủy lợi để phát triển nông nghiệp của triều Nguyễn.

Kênh Vĩnh Tế , công trình gắn liền với tên tuổi Thoại Ngọc Hầu.

Ngoài hai công trình trên, Thoại Văn Hầu cũng để lại dấu ấn công lao của mình tại một loạt các công trình khác như hoàn thành con đường đi từ Núi Sam- Châu Đốc, dài 5km, làm từ năm 1826-1827, huy động gần 4.500 nhân công. Làm xong, Thoại Văn Hầu cho khắc bia “ Châu Đốc Tân Lộ Kiều Lương” dựng tại núi Sam năm 1828 để kỷ niệm. Hay vào năm 1823, ông cho lập 5 làng trên bờ kênh Vĩnh Tế là Vĩnh Ngươn, Vĩnh Tế, Vĩnh Điều, Vĩnh Gia và Vĩnh Thông. Những công trình trên được xem là cơ sở để người Việt đặt chủ quyền lâu dài trên vùng đất mới này. Bên cạnh việc xây dựng các công trình có giá trị về phát triển kinh tế, Thoại Văn Hầu còn thể hiện năng lực về quân sự như đánh dẹp cuộc nổi loạn của Sãi Kế vào năm 1820, lập đội quân Châu Đốc để phòng giữ Châu Đốc, lập đội quân An Hải để phòng giữ Hà Tiên vào năm 1827…

Cổng vào Lăng Thoại Ngọc Hầu dưới chân núi Sam, Châu Đốc, An Giang.

Thoại Văn Hầu mất vì bệnh tại Châu Đốc ngày 6/6 năm Kỷ Sửu (1829), hưởng thọ 68 tuổi. Sau khi mất, ông được vua Minh Mạng truy tặng Tráng Võ tướng quân, Trụ quốc Đô thống. Ngày nay bên triền núi Sam ở Châu Đốc có lăng Thoại Ngọc Hầu được nhân dân địa phương gọi là Sơn Lăng. Tên ông cũng được đặt cho một đường phố lớn, một trường trung học chuyên tại tỉnh An Giang. Ở thành phố Hồ Chí Minh cũng có một con đường mang tên Thoại Ngọc Hầu thuộc phường Phú Thạch, quận Bình Tân.

Hoàng Ngọc Chính (Tổng hợp)

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.
http://baotanglichsu.vn/vi/Articles/3098/14732/thoai-ngoc-hau-danh-tuong-voi-cac-cong-trinh-kinh-te-quoc-phong-tai-vung-djat-phuong-nam-djau-the-ky-xviii.html
Theme images by kevinruss. Powered by Blogger.