Những ngôi đình nổi tiếng ở miền Tây Nam Bộ

 Như phần lớn các làng quê Việt Nam, ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, đình  là nơi thờ Thành hoàng và cũng là nơi cúng tế, hội họp, bàn việc chung của người dân địa phương.

Đình thường có cấu trúc, kiến trúc cổ truyền  thể hiện bản sắc văn hóa Việt rất rõ nét. Miền Tây Nam Bộ ngày nay còn khá nhiều ngôi đình có lịch sử lâu đời; trong đó có những ngôi đình nổi tiếng gắn liền với thời khai khẩn đất phương Nam…

Đình Châu Phú

Đình thần Châu Phú thuộc phường Châu Phú A, thị xã Châu Đốc (tỉnh An Giang). Đình thờ Nguyễn Hữu Cảnh và các quan tướng có công khai mở đất phương Nam như: Thoại Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thoại, Long Vân Hầu Trương Tấn Bửu, Vệ Thuỷ Binh Đỗ Năng Tàu và Nguyễn Văn Sanh... Đây là một trong những ngôi đình lớn và đẹp nhất đồng bằng Nam Bộ.

Đình Châu Phú được xây dựng từ thời ông Thoại Ngọc Hầu cai quản vùng này khoảng từ năm 1820 đến 1828.  Đình có kiến trúc truyền thống, khuôn viên rộng rãi, mái lợp ngói âm dương màu đỏ, trên nóc gắn tượng bát tiên và lưỡng long tranh châu. Bên trong đình có đỉnh đồng, hoành phi liễn đối chạm trổ công phu, sắc sảo. Đình có cấu trúc theo kiểu nhà trính với nhiều hàng cột tròn, to bằng vòng tay người ôm được kê tán lư tròn. Đặc biệt, gỗ toàn là gõ sừng - một loại gỗ quý. Chính giữa và trên cao thờ bài vị Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh; phía dưới là bài vị Thoại Ngọc Hầu, kế nữa là bài vị ông Vệ Thủy Đỗ Đăng Tàu và Lê Văn Sanh; giữa đình còn có tượng Thượng đẳng thần Nguyễn Hữu Cảnh và hai vị quan văn võ hầu.

Nguyễn Hữu Cảnh được nhiều sắc phong của các triều vua như: Gia Long (năm 1810), Minh Mạng (năm 1831), Tự Đức (năm 1852) với các danh hiệu: Đô thống chế dinh thần cơ, Thượng đẳng thần, Khai quốc công thần, Lễ thành hầu, Vĩnh An hầu… Hằng năm, đình Châu Phú tổ chức lễ giỗ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào ngày mùng 6-6; lễ kỳ yên  vào ngày 10 và 11-5 âm lịch, thu hút rất đông khách hành hương, tham quan, vãn cảnh.

Đình Bình Thủy

Đình Bình Thủy.
Đình Bình Thủy.

Đình Bình Thủy còn có tên là Long Tuyền Cổ Miếu, tọa lạc tại phường Bình Thủy, quận Bình Thủy (TP. Cần Thơ). Đình được dựng vào năm Giáp Thìn (1844), lúc đầu thờ Thành hoàng của làng Bình Hưng, tổng Định Thới, huyện Vĩnh Định, phủ Ba Xuyên, tỉnh An Giang. Năm 1852, Tuần phủ Huỳnh Mẫn Đạt đi tuần thú trên sông Hậu, gặp phải cuồng phong nhưng nhờ ẩn nấp kịp thời trong vàm rạch Bình Hưng nên vô sự. Thoát nạn, Huỳnh Mẫn Đạt cho tổ chức tiệc ăn mừng với nhân dân bản địa và cho đổi lại tên rạch và tên đất này là “Bình Thủy”; đồng thời tấu trình lên vua Tự Đức xin ban sắc phong cho thần Thành hoàng làng. Từ đó, làng có tên mới là Bình Thủy, ngôi đình cũng được  gọi là đình Bình Thủy.      

Đình Bình Thủy nằm trong khuôn viên rộng chừng 4.000 m². Đình có chiều sâu, xây dựng theo kiểu nhà trính, nhiều gian liền kề nên nên chiều nào cũng có 6 hàng cột rất chắc chắn.Trên nóc đình, ta thấy hai mái chồng lên nhau, nhà chánh điện sau 3 mái chồng lên nhau theo kiểu kiến trúc "thượng lầu hạ hiên". Trên nóc đình có gắn tượng hình người, hình kỳ lân, hình cá hóa rồng. Đình thờ bổn cảnh thành hoàng và các vị có công với nước như Trần Hưng Đạo, Đinh Công Tráng, Nguyễn Trung Trực, Bùi Hữu Nghĩa, Võ Huy Tập, Phan Bội Châu... Trong đình, tại tiền đường có bàn thờ Nghi Hạ, Nghi Trung đặt ở gian giữa. Nơi nhà vuông nhỏ đặt bàn thờ Nghi Thượng dùng làm lễ chính của các ngày lễ hội.

Nhìn tổng thể, đình Bình Thủy có nhiều dấu ấn kiến trúc truyền thống độc đáo với những mảng chạm, họa tiết, hoa văn mang bản sắc văn hóa dân tộc. Đây là một công trình có giá trị về kiến trúc nghệ thuật cổ truyền gắn liền thời kỳ  khai mở miền đất  Tây sông Hậu với nhiều giai thoại còn lưu truyền đến ngày nay. Hằng năm, các ngày lễ Thượng điền (12 đến 14-4 âm lịch), Hạ điền (14, 15 tháng Chạp) được tổ chức rất hoành tráng, trang trọng và đông vui cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa. Lễ hội có nhiều trò chơi dân gian truyền thống như thả vịt, kéo co, hát bội, hát tiều, nữ công gia chánh... được duy trì từ xưa cho đến nay.

Đình Phú Lễ

Đình Phú Lễ ở xã Phú Lễ, cách thị trấn Ba Tri 5 km là một công trình kiến trúc nghệ thuật hoành tráng, quy mô bậc nhất vùng ven biển tỉnh Bến Tre. Dựa vào bia ký còn lưu lại ở đình Phú Lễ thì kiến trúc này được xây dựng vào năm 1826 -  đời Minh Mạng thứ 7. Đình được vua Tự Đức sắc phong vào năm 1851.

Đình cổ Phú Lễ.
Đình cổ Phú Lễ.

Đình Phú Lễ nằm sát con đường làng, cổng tam quan hình bán nguyệt, trên có búp sen và trái châu, hai bên là cặp liễn đối khắc âm vào cột, bình phong án ngữ có đắp hoa văn, phù điêu ước lệ với nét phác họa chân phương. Đình có nền cao ráo, thềm và móng cẩn, lót  đá xanh, bên trên xây gạch. Cấu trúc đình gồm có cả 10 gian: 6 gian chính liền mái và 4 gian phụ bố trí theo lối chữ “Đinh”. Các gian chính gồm nhà võ ca, viên đường, thính đường, chánh đường và hậu đường rộng rãi, trang nghiêm. Cột đình bằng gỗ lim, xưa chở bằng ghe bầu từ miền Trung vào theo đường biển và phải dùng trâu kéo vào mùa nước nổi, đường kính cột trên 40 cm, mái lợp ngói vảy cá. Ngày nay, nhìn tổng thể, các mô-típ kiến trúc tồn tại khá nguyên vẹn, nhiều tác phẩm nghệ thuật điêu khắc trên gỗ sơn son, thếp vàng vẫn còn giữ nguyên vẹn. Các công trình phụ như miếu Thần Nông, miếu Thổ địa nằm hai bên tả hữu trước tiền đình. Đình Phú Lễ thâm trầm nhưng không kém phần nổi bật giữa một khuôn viên thoáng rộng với hàng trăm gốc sao, dầu cổ thụ to đến hàng mấy người ôm, vút cao, tỏa bóng mát thâm u trên một khu đất giồng khô ráo. Hằng năm, hội cúng đình còn gọi là Lễ kỳ yên hạ điền tổ chức vào rằm tháng 3 âm lịch.

Ở các lễ hội cúng đình Phú Lễ có một sinh hoạt, diễn xướng nghệ thuật mang đậm dấu ấn của văn hóa dân gian có từ thế kỷ 18 vô cùng độc đáo còn sót lại ở vùng đất Ba Tri là hát sắc bùa. Đây là sinh hoạt văn hóa dân gian có tính chất lễ nghi nông nghiệp kết hợp tâm linh, đạo giáo có nguồn gốc ở vùng Hòa Bình, Nghệ Tĩnh, Bình Trị Thiên…, về sau  lưu dân mang loại hình diễn xướng này xuống dần phương Nam, bởi vậy trong ngôn ngữ hát sắc bùa Phú Lễ vẫn còn dấu vết của một vài địa phương mà nó đã đi qua…

Ngoài các ngôi đình kể trên, miền Tây Nam Bộ còn có nhiều ngôi đình nổi tiếng khác như đình Bình Hòa (Bến Tre), đình Long Hồ (Vĩnh Long), đình Định Yên (Đồng Tháp), đình Thoại Sơn (An Giang), đình Nguyễn Trung Trực (Kiên Giang)…

Đặng Hoàng Thám

http://baodaklak.vn/channel/9803/201711/nhung-ngoi-dinh-noi-tieng-o-mien-tay-nam-bo-5558093/

Theme images by kevinruss. Powered by Blogger.