Những hang động Thất Sơn huyền bí: Doanh trại tướng cướp Đơn Hùng Tín (núi Cấm)


Theo nhiều tài liệu và các bậc cao niên, tướng cướp Đơn Hùng Tín từng chọn núi Cấm làm doanh trại.
Đơn Hùng Tín là tướng cướp khét tiếng một thời làm đau đầu nhà cầm quyền người Pháp ở Đông Dương. Tuy nhiên, các giai thoại về ông không thống nhất.


Nuôi chí... làm cướp

Có khá nhiều tài liệu ghi chép về tướng cướp Đơn Hùng Tín nhưng có nhiều điểm khác biệt nhau. Trong đó, nhà văn Sơn Nam ghi chép khá chi tiết. Đơn Hùng Tín tên thật là Lê Văn Tín, quê ở Cao Lãnh (nay là TP Cao Lãnh, Đồng Tháp). Xưa kia, ông chưa lấy tên là Đơn Hùng Tín mà chỉ là kẻ vô danh. Song, chàng thanh niên này lại mê đọc truyện Tống, truyện Đường và rất mê nhân vật Đơn Hùng Tín - một người can trung, tận nghĩa. Vậy là anh âm thầm nuôi chí lớn và chờ đợi thời cơ đến.

Tín biết rõ xứ núi Tà Lơn (Campuchia) là nơi xuất thế với các bậc siêu phàm, mình đầy võ nghệ, bùa chú nên cất công tìm tới. Sau nhiều ngày rảo khắp các hang động cheo leo, Tín gặp một người thanh niên. Qua trao đổi, Tín biết người này tên là Phép, từng là thầy giáo nên gọi là giáo Phép, quê ở miệt Châu Đốc. Không biết hà cớ gì hay muốn làm giàu, kiếm vàng muôn bạc nén mà giáo Phép tìm đến núi Tà Lơn để tìm "chúa" hiến mưu. Khi gặp Tín, người có dáng trượng phu, thân hình vạm vỡ "vai năm tấc rộng, thân mười thước cao", giáo Phép quyết theo phò.

Từ đó giáo Phép làm quân sư, giúp Tín đi tập hợp tiều phu, dân nghèo quanh núi để làm thuộc hạ. Sau lần Tín và Phép lừa được cả đám lâu la bằng chiêu "súng bắn không chết" mà Tín còn cắn được cả đầu đạn khiến đám người tin tưởng xin quy phục làm thuộc hạ. Từ đó, ông chính thức xưng là Đơn Hùng Tín, chuyên đi cướp của khắp vùng Bảy Núi, Tiền Giang, Hậu Giang…

Có người nói rằng Đơn Hùng Tín là một tướng cướp hành hiệp trượng nghĩa, cướp của Tây, cường hào ác bá phân phát cho người nghèo. Nhưng cũng có người cho rằng Đơn Hùng Tín là tên cướp bất nhân, cướp cả đồ đạc, tượng Phật của các chùa chiền.

“Xin” bào thai vợ luyện... bùa

Buổi ban đầu Đơn Hùng Tín chỉ là một kẻ vô danh tiểu tốt và chưa có nhiều võ nghệ hay bùa chú gì. Song, sau khi đã trở thành đại vương của những tay "lương sơn bạc", để tồn tại và đám lâu la kính nể, Đơn Hùng Tín đã dày công khổ luyện võ nghệ. Quân sư giáo Phép vốn là một kẻ nhát gan nhưng lại lắm mưu nhiều kế. Sau nhiều năm giáo Phép lên núi Tà Lơn, y biết rằng nhiều lão tiên sinh đang tu tiên tại đây có cất giữ một cuốn bí kíp võ công gọi là "Thiên thư bí quyết" nên đã bày kế cho Đơn Hùng Tín học loại võ công này. Theo lời thuật của giáo Phép, có một ông lão tại núi Tà Lơn học được phép mầu trong quyển "Thiên thư bí quyết". Ông này nuôi một con khỉ, mỗi ngày cho nó nuốt một lá bùa nhưng đến ngày thứ 7 thì khỉ lăn ra chết. Đem xác khỉ cất vào cái hộp, đúng trăm ngày giở ra, khỉ mở mắt, ông liền cho uống lá bùa thứ 8 thì khỉ sống lại, lanh lẹ và nhất nhất tuân lời ông. Mỗi ngày con khỉ chạy xuống chân núi trộm lấy 2 đồng xu về cống nạp cho ông lão.
Sau đó, Đơn Hùng Tín theo cách đó mà luyện tập và đã tám phần thông thạo. Theo nhiều tài liệu ghi lại, nhà chức trách Pháp lúc bấy giờ không thể lần ra dấu vết của ông sau mỗi vụ cướp vì ông biến hóa đại tài, lúc ẩn lúc hiện. Về sau, ông đã có vợ thì sơn trại được dời lên núi Cấm thuộc huyện Bảy Núi lúc bấy giờ. Về đây, Đơn Hùng Tín tiếp tục luyện tập bùa phép. Tương truyền, ông đã xin bào thai của vợ để luyện bùa, được vợ đồng ý nên liền mổ bụng vợ lấy thai nhi. Hằng đêm, Đơn Hùng Tín đem bào thai ra giữa trời để tu luyện cho đến khi nó khô lại thì được ông mang theo người như vật bất ly thân (giống như tương truyền về ma cóc ở Tây Nguyên). Từ đó, Đơn Hùng Tín càng ngang dọc, ẩn hiện, biến hóa mà không sợ bị bắt. Lúc bấy giờ, người Pháp treo thưởng cho người tìm ra tung tích của ông với giá rất cao. Song, cũng do ỷ lại tài cao khiến ông mất cảnh giác, bị một tên thuộc hạ phản trắc, báo tin cho người Pháp trong một lần được cho đi chợ ở Mỹ Tho. Mọi nẻo đường tiến thoái, kế hoạch của Đơn Hùng Tín đều bị lộ khiến chính quyền Mỹ Tho siết chặt vòng vây và pháo kích, hạ sát ông vào năm 1926.

Đi tìm dấu vết

Ông Đinh Phi Vân, nguyên là cán bộ Công an xã An Hảo, huyện Tịnh Biên (An Giang), người sống trên ngọn núi cao nhất miền Tây này cho biết qua các tài liệu ông đọc được thì chính khu vực hang ông Thẻ là đại bản doanh của Đơn Hùng Tín. Sở dĩ ông Vân quả quyết địa điểm này là doanh trại của tướng cướp lừng danh vì thỉnh thoảng có người vẫn nhặt được những cổ vật từ trong hang núi và quanh khu vực này. Ông Vân nói theo nhiều tài liệu thì tảng đá lớn ngay trước cửa hang ông Thẻ trông như bàn thạch là nơi xưa kia Đơn Hùng Tín mổ bụng vợ lấy bào thai.

Nói đoạn, ông Vân ôm lấy thân cây rừng rồi theo rễ cây tuột xuống một vách đá dựng. Chúng tôi cũng thử một phen làm "Tarzan" đu theo rễ cây rừng và dây leo thám hiểm quanh khu vực. Rõ là bên dưới bờ vực sâu này có rất nhiều vách đá dựng cheo leo và "lò ảng" (hang đá tự nhiên do hai phiến đá tựa vào nhau tạo khoảng trống bên dưới - PV) rộng lớn. Đi đến mỗi "lò ảng" ông Vân đều dừng lại, cùng chúng tôi len lỏi vào trong hang để thị sát. "Hang ông Thẻ xưa kia là nơi cất giấu lương thực, của cải mà bọn "khăn trắng" cướp được, về sau gọi là hang ông Thẻ. Còn bọn cướp thì ăn ngủ, trú ngụ theo các vách đá, lò ảng. Điều này nghe cũng hợp lý vì lợi dụng địa hình hiểm trở để dễ dàng ẩn nấp, tránh sự kiểm tra của nhà chức trách lúc bấy giờ", ông Vân phân tích.

Suốt nửa ngày đánh đu, chuyền từ cây này sang bờ vực khác quanh các vách đá dựng như "người rừng", chúng tôi tìm thấy rất nhiều hang đá theo các tài liệu mô tả về nơi ẩn náu của thủ lĩnh và bộ hạ tướng cướp Đơn Hùng Tín. Song dấu vết thì hầu như không để lại gì. Dù vậy, lão đạo sĩ Ba Lưới cũng khẳng định nơi đây tướng cướp khét tiếng Đơn Hùng Tín hùng cứ một thời.
Theo Thanh Quốc - Chí Nhân

Theme images by kevinruss. Powered by Blogger.