Những huyền thoại ly kỳ ở vùng Bảy Núi - Thất Sơn Kỳ 3: Thu phục mãnh hổ, vượt biển bằng nón lá và dự báo thiên cơ
12 vị đại đồ đệ của Đức Phật Thầy Tây An đều là những người có đạo hạnh cùng đức tu được người dân kính trọng. Gắn liền với các vị đại đồ đề này là những câu chuyện đầy huyền hoặc, kỳ bí.
Hình ảnh ông Tăng Chủ hàng phục mãnh hổ
Ly kỳ chuyện người cứu hổ mắc xương
Theo một quyển sách được in ấn chính thống viết, trong hàng thập nhị hiền thủ (12 vị đại đệ tử) của Đức Phật Thầy Tây An. ông Bùi Văn Thân (còn gọi là Bùi Thiền Sư) là người thứ 2 sau Đức Quản Cơ Trần Văn Thành đến quy y và được Đức Phật Thầy giao làm chủ trại ruộng ở Thới Sơn. Người trong đạo Bửu Sơn Kỳ Hương thường gọi ông Thân là ông Tăng Chủ (ý chỉ ông tăng sư làm chủ trại ruộng). Ngày nay, xã Thới Sơn thuộc huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Trại ruộng ấy có tên Phước Điền Tự, được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa.
Ông Tăng Chủ gắn với câu chuyện còn hàng phục được mãnh hổ, giao hảo như bè bạn. Tương truyền thuở ấy, vùng Thất Sơn cọp dữ có tiếng. Nhưng từ ngày ông Tăng Chủ được giao coi giữ trại ruộng, thì không hiểu sao thú dữ rất kiêng sợ. Một hôm, vào chạng vạng Đức Phật Thầy đi xa về. Khi vào gần tới cốc, ngài thấy 1 con bạch hổ ngồi ủ rũ gần bàn Thông Thiên (bàn thờ để ngoài sân). Thấy ngài, cọp liền há miệng ra. Đức Phật Thầy mới hỏi: “Chà! Đau gì mà ốm nhom vậy đạo hổ? Ông lại xin thuốc phải không?”. Vừa nói, Đức Phật Thầy vừa bước vào cốc kêu to: “Ông Tăng đâu, ra coi đạo hổ đau gì mà ngồi đó”.
Ông Tăng Chủ liền chạy ra trước chỗ hổ ngồi. Bạch hổ há miệng, ngước lên trước mặt ông Tăng. Ông Tăng hỏi: “Ông mắc xương phải không?”. Bạch hổ liền đập đuôi và gật đầu. Ông Tăng liền bảo: “Nếu mắc xương thì cúi đầu xuống”. Bạch hổ làm theo. Ông Tăng vung tay đấm ngay cổ của ông hổ 3 cái, thì cục xương từ trong họng ông hổ vọt ra. Ông Tăng nói: “Cố ăn thế nào mà để mắc một cục xương quá lớn như thế? Thôi hết rồi, đi đi!”. Khi ấy Đức Phật Thầy bước ra dặn bạch hổ: “Từ đây tôi cấm ông quấy phá bà con, bổn đạo của tôi lên núi hay vào rừng trong vùng Thất Sơn nữa”. Ông hổ cúi đầu lui ra. Vài hôm sau, trước trại ruộng có 1 con heo rừng còn in dấu răng hổ. Ông Tăng biết đó là quà mà bạch hổ mang đến đền ơn. Ngày nay, tại di tích chùa Phước Điền, nhiều người dân sống quanh đó vẫn hay truyền kể nhau nghe chuyện ông Tăng Chủ cứu ông hổ mắc xương và được hổ đền ơn bằng… con heo rừng.
Sách xưa còn truyền, từ ngày ông Tăng Chủ cứu ông hổ mắc xương, thú dữ trong rừng không dám bén mảng ra phá quấy dân cư nữa. Vì thế mà việc khẩn hoang rừng núi làm nông nghiệp của dân làng Thới Sơn trở nên thuận lợi. Người ta còn truyền rằng, một lần có 1 con hạm (thú dữ - PV) bên núi Bà Đội Om (nơi nổi tiếng nhiều cọp dữ) qua núi Ông Két phá quấy. Ông Tăng Chủ đã dắt theo bạch hổ đến đánh đuổi. Ông hổ tụ tập cả đàn hổ đến. Cuối cùng con hạm ấy bị đánh chết. Sau đó, ông Tăng Chủ và ông Đình Tây (đạo sĩ Bùi Văn Tây) đã cất miếu thờ ông hổ tại đình làng gần chùa Thới Sơn. Ngay nay, tại đồi Thiên Tuế trên núi Cấm (xã An Hảo, huyện Tịnh Biên) cũng có 1 cái hang hổ, được dân lui tới thờ cúng, gọi là hang Bạch Hổ. Lợi dụng tâm linh về sự kiện bạch hổ đấu với con hạm ở núi Bà Đội Om, một số kẻ tuổi tác chưa bao nhiêu mà ba hoa cho rằng mình từng chứng kiến cảnh tử chiến giữa bạch hổ và con hạm để lừa tiền của khách phương xa.
Những câu chuyện huyền hoặc về ông Đạo Lập
Trong các đệ tử của Đức Phật Thầy Tây An có ông Phạm Thái Chung, gọi là ông Đạo Lập hay Đức Tiên Sinh. Theo 1 quyển sách kể lại, Đức Tiên Sinh là người làng Đa Phước, huyện An Phú, tỉnh An Giang. Ngày 26/9 âm lịch hàng năm, người dân làm cúng giỗ ông. Sở dĩ ông có danh Đạo Lập bởi ông lập nên chùa Bồng Lai ở xứ Bà Bài (xã Vĩnh Tế, TP. Châu Đốc ngày nay). Nhờ tự thân tu luyện phép nên dân gian truyền tụng ông có nhiều phép lạ. Những lúc ngao du bốn biển, muốn sang sông rộng, biển sâu, ông chỉ cần dùng chiếc nón lá rộng vành đang đội trên đầu ném xuống nước làm thuyền đi. Ông còn đoán biết trước chuyện chẳng lành xảy đến mà tránh thoát, thậm chí có thể “đi mây về gió” để kịp thời cứu khổ, cứu nạn cho người khác.
Ban thờ ông Đạo Lập
Dân gian còn truyền khẩu, khi Đảng Cần Vương còn hoạt động, ở vùng Châu Đốc có ông Thái được Đảng tín nhiệm. Ông Thái được giao giữ tờ mật chiếu, nếu để bại lộ thì rất nguy nên ông đã mang giấu tại miễu thờ Thần Nông hoang vắng. Ít lâu sau, ông đến kiểm tra thì phát hiện tờ mật chiếu bị mất. Ông Thái rất lo sợ cơ mưu bị bại lộ. Một hôm ông Thái chạm mặt ông Đạo Lập, thì mới được ông Đạo Lập tiết lộ đã đốt tờ mật chiếu để tránh bại lộ. Bấy giờ ông Thái mới ngớ người và hỏi: “Sao ông biết tôi giấu ở đó mà lấy hủy?”. Ông Đạo Lập không đáp thẳng câu hỏi mà bảo ông Thái nhớ lại xem có gì lạ khi đem mật chiếu giấu. Ông Thái liền thuật lại là khi giấu xong, lúc đi ra thì có nghe tiếng động dưới đám cỏ khô, giật mình nhìn xuống thấy có con rắn bò sát bên chân. Ông Đạo Lập cười bảo: “Tôi đó chớ rắn rết gì. Không hóa rắn làm sao biết rõ chuyện làm của chú”. Từ đó, người đời tin ông Đạo Lập biết… biến hình.
Nữ sĩ Mộng Tuyết Thất Tiểu Muội (ở Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang) cho hay, bà nghe người bác kể, ngày xưa ông cố của bà từng chở hàng hóa sang Xiêm (Thái Lan) bán. Hôm ấy ông cố vừa đóng xong chiếc thuyền buôn đặt tên Minh Thuận và định cho xuất cảng thì đúng lúc ông Đạo Lập ghé nhà chơi. Ông cố của bà đã hỏi xin ông Đạo Lập bùa bình an, may mắn cho chuyến đi. Ông Đạo Lập đưa cho ông cố bà Muội 3 lá bùa, nói: “Khi đi ra khỏi cửa biển Hà Tiên, đốt 1 lá bùa. Lá thứ nhì để lúc nào có 1 con cá to định làm hại thì đốt. Còn lá thứ ba dành đốt khi vào cửa sông Bắc Nam”.
Chuyến đi có 10 người. Khi ra giữa biển thình lình ở trước mũi thuyền sóng bắn lên cao. 1 con cá to nhảy bổng lên khỏi mặt nước, bằng 1 tầm người đứng. Vị Thuyền trưởng nhớ lời dặn của ông Đạo Lập đem đốt lá bùa thứ 2 thả tàn xuống biển. Thuyền lập tức bình yên, tiếp tục vượt biển. Một buổi chiều nọ, trước mũi thuyền bỗng hiện lên vật gì to như hòn đảo, nhưng nhìn kỹ thì thấy nó cử động. Đến gần, họ mới rõ đó là 1 con kình ngư khổng lồ. Khi biết rõ đó là 1 thủy quái ăn thịt người, cả tàu đều kinh hoảng. Vị thuyền trưởng bây giờ mới sực nhớ lại lá bùa thứ nhì đã đốt, chắc chắn nó phải được đốt vào lúc này mới đúng. Lúng túng, ông ta đành phải đem đốt lá bùa thứ 3, nhưng nó hoàn toàn không tác dụng.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Hiệp (tỉnh An Giang) cho biết: “Cho đến nay dân ở vùng Thất Sơn và ven biên giới dọc miệt Kiên Lương, Hà Tiên vẫn còn kể khá nhiều chuyện về ông Đạo Lập, như ông Đạo Lập làm phép, ông Đạo Lập ném dao… Chuyện này được viết bởi nữ thi sĩ Mộng Tuyết Thất Tiểu Muội. Bà là vợ của thi sĩ Đông Hồ, một thời nổi tiếng trong giới thi sĩ miền Nam”.
Kình ngư lướt tới càng nhanh, cái vẫy đuôi nhẹ nhàng của nó cũng đủ làm thuyền lật úp. Lúc ấy, mọi người đều trông rõ từng khía của vi cá khổng lồ. Thuyền trưởng ra lệnh cho thuyền đảo trịch sang một bên để tránh. Tuy nhiên, sóng bủa trùng trùng tràn ngập cả sàn thuyền. Vi cá và cánh buồm thuyền đã cao ngang nhau. Nháy mắt, lưng cá đã cọ vào sườn thuyền khiến thuyền chao nghiêng dữ dội. Ngay phút nguy ngập ấy, con kình ngư bỗng dừng lại. Đợi khi thuyền vừa vượt khỏi, nó mới quạt đuôi một cái, khiến thuyền quay tròn mấy vòng. Mọi vật trên thuyền đều bị xô đổ, nhưng từ từ yên trở lại.
Từ hôm ấy cho đến khi trở về, thuyền được bình yên không còn gì trở ngại. Khi về tới Mũi Nai, vị thuyền trưởng vừa lên bờ thì đã thấy ông Đạo Lập đứng sẵn dưới đám dừa bên mé biển. Ông Đạo Lập cười nói: “Ở Nhà (từ ông Đạo Lập hay xưng hô với người ngoài) đoán biết bữa nay cậu về nên tôi ghé lại đón mừng. Chà! Một bữa chiều hôm đó, ở ngoài Thổ Châu (còn gọi là đảo Thổ Chu, huyện Phú Quốc) cậu đã sợ xanh mặt. Khi đó Ở Nhà ngồi trên chóp cột buồm chớ đâu. Nếu Ở Nhà không giữ cho thuyền vững lại và đuổi quái ngư đi, nó sẽ cắm đến và đội lật thuyền, các người đều đã vào bụng nó rồi. Các người chẳng thấy từ xa nó hướng thẳng về mũi thuyền đó sao!”. Thuyền trưởng nghe thế liền hoảng hốt. Còn ông Đạo Lập chỉ nói: “Chỉ tội nghiệp cho con cá bé, bỗng dưng chết oan ức vì lá bùa thứ 2, đáng lẽ phải để mà diệt con quái ngư ấy”. Nghe qua tự sự của ông Đạo Lập ai nấy đều kinh hồn!
(Còn nữa)
VĨNH SƠN
(Còn nữa)
VĨNH SƠN
Kỳ 4: Chuyện kỳ quặc về con nghiệt súc… Năm Chèo